Đa số các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền BHXH, BHYT trong nhiều năm với số nợ lớn (dù người lao động đã đóng khoản tiền này cho doanh nghiệp). Trước thực trạng trên BHXH TP. Hà Nội đã khởi kiện 11 công ty nợ bảo hiểm ra tòa, tuy nhiên số nợ thu về cũng mới chỉ được 1/3 số tiền doanh nghiệp đã nợ.Đã có nhiều doanh nghiệp ra hầu tòa vì số tiền nợ bảo hiểm quá lớn.
Tuy nhiên dù phải ra hầu tòa những doanh nghiệp có số nợ đọng này cũng không sợ, bởi mức xử phạt ít hơn rất nhiều lần so với việc doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng để trả khoản nợ của họ.
Doanh nghiệp không sợ bảo hiểm xã hội kiện ra tòa
BHXH TP Hà Nội năm 2011 được giao kế hoạch thu 10.338,6 tỷ đồng. Tổng số tiền thu các loại bảo hiểm bắt buộc trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 4.570,25 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm này BHXH TP Hà Nội mới thu được 4.615 tỷ đồng (bao gồm cả bảo hiểm tự nguyện). Theo Phó giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, đây là con số “đẹp”, bởi những năm qua công tác thu bảo hiểm luôn gặp khó khăn vướng mắc. Có thể nói, khó khăn lớn nhất đối với công tác thu bảo hiểm đó là bảo hiểm luôn vấp phải chây nợ của các doanh nghiệp. Theo BHXH Hà Nội, đến hết ngày 15-5-2011, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP (nợ từ 3 tháng trở lên) là 542,6 tỷ đồng chiếm 52% tổng số thu năm 2011. Trong 6 tháng đầu năm, BHXH TP đã thực hiện kiểm tra về các mặt nghiệp vụ của ngành đối với đơn vị trực thuộc và kiểm tra tại 74 đơn vị sử dụng lao động về việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT đã phát hiện còn rất nhiều đơn vị phạm luật. Đa số các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền BHXH, BHYT trong nhiều năm với số nợ lớn (dù người lao động đã đóng khoản tiền này cho doanh nghiệp). Trước thực trạng trên BHXH TP Hà Nội đã khởi kiện 11 công ty nợ bảo hiểm ra tòa, tuy nhiên số nợ thu về cũng mới chỉ được 1/3 số tiền doanh nghiệp đã nợ.
Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, rất khó khăn trong việc đòi nợ doanh nghiệp, dù thành phố đã thành lập tổ công tác liên ngành trực tiếp giải quyết vấn đề này. Ông Hòa cho rằng, để đối chiếu công nợ giữa doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm phải có chữ ký xác nhận của giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên khi cơ quan bảo hiểm đến, nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách trốn tránh.
Vấn đề nợ đọng BHXH ở TP Hồ Chí Minh còn phức tạp hơn, theo Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Cao Văn Sang, năm 2010, có hơn 19.139 doanh nghiệp nợ BHXH của 687.130 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng. BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng đã kiện 150 doanh nghiệp ra tòa, thu hồi trên 11 tỷ đồng và hiện tại đang khởi kiện 130 doanh nghiệp. Tuy nhiên số nợ thu hồi cũng chưa thấm vào đâu so với số nợ của doanh nghiệp. Lý do khiến doanh nghiệp chây ỳ đóng BHXH, theo ông Sang, quy định tính lãi chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất doanh nghiệp vay ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt hơn là đi vay ngân hàng nộp phạt.
Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động
Việc doanh nghiệp không chịu đóng tiền BHXH nhìn bề nổi của vấn đề là các cơ quan bảo hiểm không hoàn thành kế hoạch được giao, tuy nhiên xét đến cùng là quyền lợi của người lao động bị vi phạm. Đã có rất nhiều trường hợp người lao động hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với doanh nghiệp trong việc đóng các khoản bảo hiểm, nhưng do doanh nghiệp không chịu đóng khoản tiền này lên BHXH, cho nên đã có nhiều trường hợp người lao động đã 70 tuổi mà chưa được nhận chế độ hưu. Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cũng đồng nghĩa với việc những chế độ ốm đau, thai sản của người lao động sẽ không thể giải quyết.
Về vấn đề đòi nợ các doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm ông Hòa thừa nhận, hiện cơ quan chức năng đang tắc giải pháp vì các chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục tỉ đồng, khi bị thanh tra đã sẵn sàng nộp phạt, vì thà chịu mức phạt tối đa 30 triệu đồng hơn là phải đóng nợ BHXH tới hàng chục tỉ đồng.
Theo Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, bên cạnh vướng mắc trong việc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, việc quản lý, xác định đối tượng tham gia BHXH cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác số lao động đủ điều kiện tham gia BHXH trên địa bàn là bao nhiêu. Bởi, đối tượng thu của BHXH là người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và nếu doanh nghiệp tự nguyện đi khai báo thì BHXH kiểm soát được. Tuy nhiên, số lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh của gia đình, doanh nghiệp nhỏ… không có công đoàn, doanh nghiệp không khai báo thì BHXH không thể nào kiểm soát được.
Lục Bình
Báo Đại Đoàn Kết
Comments are closed.