Doanh nghiệp bảo hiểm thứ ba đấu giá cổ phần

Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) sẽ bán 12,58 triệu cổ phần theo phương thức đấu giá công khai tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Dự kiến, mức giá khởi điểm của đợt đấu giá này là 60.000 đồng/cổ phần.

Sau Bảo Việt và Bảo Minh, đây là doanh nghiệp thứ ba trong ngành bảo hiểm thực hiện việc đấu giá cổ phần qua thị trường chứng khoán. Theo giới chuyên môn, đợt đấu giá bán cổ phần đầu tiên này của Vinare ra thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo thêm lượng hàng ra thị trường, từ đó tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu này.

Trên thực tế, giao dịch của Vinare luôn ở mức thấp do đặc thù của doanh nghiệp là lượng cổ phiếu được phép giao dịch quá ít. Trong tổng số 34,3 triệu cổ phiếu Vinare niêm yết, thì chỉ có 600 nghìn cổ phiếu, tương đương khoảng hơn 2% vốn điều lệ thực góp của doanh nghiệp chủ yếu thuộc sở hữu của các cán bộ công nhân viên Vinare được phép bán ra.

Vinare hoàn thành quá trình cổ phần hoá từ 1/1/2005 với ngành nghề sản xuất kinh doanh là nhận tái bảo hiểm trong nước và quốc tế. Hiện tại, vốn điều lệ đăng ký của Vinare là 500 tỷ đồng nhưng mức vốn thực góp tại thời điểm 1/1/2005 là 343 tỷ đồng.

Trong đó, Nhà nước nắm giữ 193,795 tỷ đồng (chiếm 56,5%) cán bộ công nhân viên trong đơn vị sở hữu 10,290 tỷ đồng (tương đương với 3%), 138,915 tỷ đồng (tương đương 40,5% cổ phần) do 13 doanh nghiệp bảo hiểm là cổ đông sáng lập nắm giữ.

Theo lộ trình tăng vốn đến năm 2015 đã được đại hội cổ đông thông qua năm 2007, vốn điều lệ xác định cho giai đoạn 2007-2015 của Vinare là 3.000 tỷ đồng, trong đó phát hành đợt 1 vào năm 2007, đợt 2 thực hiện trước 31/12/2009 và đợt 3 vào trước 31/12/2015.

Để đạt vốn điều lệ Vinare sau khi hoàn thành đợt phát hành vốn năm 2007 là 750 tỷ đồng, Tổng công ty sẽ phát hành thêm 40,7 triệu cổ phần, tương đương 118,66% vốn điều lệ đã góp. Theo Vinare, đợt phát hành thêm này sẽ chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 dự kiến sẽ phát hành 27.950.000 cổ phiếu. Trong đó, ngoài số cổ phần bán theo phương thức đấu giá cạnh tranh, Tổng công ty còn dành 13.720.000 cổ phần phân phối cho các cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 10:4 (sở hữu 10 cổ phần cũ sẽ được mua 4 cổ phần mới) với giá 10.000 đồng/cổ phần, 1.650.000 cổ phần dành bán cho thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc và cán bộ nhân viên với giá 15.000 đồng/cổ phần. 

Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện trong quý 4/2007, sẽ chào bán 12.750.000 cổ phần cho các đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Danh sách và tiêu chí cụ thể sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định.

Như vậy, cơ cấu sở hữu vốn sau phát hành, Nhà nước sẽ nắm giữ 27.131.300 cổ phần (tương đương 36,18%), cổ đông hiện hữu nắm 20.888.700 cổ phần (tương đương 27,85%), cổ đông chiến lược mới sở hữu 12.750.000 cổ phần (tương đương 17%), cổ đông tự do hình thành qua đấu giá sở hữu 12.580.000 cổ phần (tương đương 16,77%), cán bộ công nhân viên Vinare sở hữu 1.650.000 cổ phần (tương đương 2,2%).

Lãnh đạo Vinare cũng cho biết, toàn bộ số vốn hiện có và số thu được sau đợt phát hành sẽ dành tăng cường khả năng tài chính của Vinare nhằm thu hút lượng dịch vụ nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước. Đồng thời, một phần tiền đó sẽ dành để tăng cường khả năng trao đổi dịch vụ cho thị trường, hạn chế chuyển dịch vụ ra nước ngoài.

Sau đợt phát hành tăng vốn, mức giữ lại về kinh doanh tái bảo hiểm của Vinare tăng tối thiểu 30% so với năm 2006, đảm bảo tăng trưởng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm khoảng 14-15% (trong điều kiện các công ty bảo hiểm gốc đồng loạt tăng mức giữ lại). Nhu cầu vốn dự kiến để thực hiện kế hoạch này là 700 – 800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống IT và đáp ứng nhu cầu tăng vốn của các công ty bảo hiểm gốc hiện Vinare đang có vốn góp cổ phần.

Dự kiến phần vốn góp tăng thêm của Vinare vào các công ty bảo hiểm nói trên tối thiểu là 200 tỷ đồng (Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu 9,6 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Bảo Tín 22 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Petrolimex 14,3 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Bưu điện 14,5 tỷ đồng, Công ty Bảo Nông 14 tỷ đồng, Công ty Liên doanh TNHH Samsung-Vina 112 tỷ đồng).

Ngoài ra, Vinare cũng sẽ dành tiền huy động từ đợt phát hành này để tham gia thành lập và góp vốn vào các công ty bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đang chuẩn bị thành lập mới theo chiến lược phát triển của ngành bảo hiểm trong tiến trình hội nhập WTO đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, Vinare còn góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Bảo Việt và Ngân hàng Cổ phần FPT (đã có Nghị quyết chấp thuận của Hội đồng Quản trị Vinare) và đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác nhằm đa dạng hoá và mở rộng danh mục đầu tư của Vinare, đầu tư kinh doanh tiền tệ.

 

Theo TBKTVN

Comments are closed.