Doanh nghiệp tại Hà Nội nợ gần trăm tỷ đồng BHXH

Bảo hiểm xã hội Hà Nội hướng dẫn người dân thủ tục đổi mã thẻ - Ảnh: Dương NgọcNDĐT – THỜI NAY – Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài khiến chế độ đối với người lao động không được giải quyết đang gây ra bức xúc trong xã hội. Tình trạng này còn ảnh hưởng sâu sắc tới những lao động chuẩn bị về hưu, hay muốn chuyển công tác. Bởi, những người đến tuổi về hưu sẽ không được… về hưu nếu cơ quan chủ quản của họ chưa đóng BHXH. Trong lúc ngồi chờ các bên liên quan giải quyết sự việc thì người lao động vẫn đang gánh chịu những thiệt hại mà “người khác” gây ra.


Doanh nghiệp Nhà nước cũng… nợ

Thông tin từ cơ quan BHXH Hà Nội cho biết, đơn vị này đang hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuẩn bị đưa một loạt doanh nghiệp nợ đóng BHXH của người lao động ra tòa. Tính đến 31-7, toàn thành phố có 106 doanh nghiệp đang nợ tổng cộng hơn 84,2 tỷ đồng BHXH. Nợ đọng BHXH hầu hết xảy ra với các đơn vị thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, dệt may, xây dựng cơ bản… Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước có tên tuổi, nợ đọng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Cụ thể, một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có số nợ khá lớn như Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin nợ 23 tháng, số tiền gần 4,5 tỷ đồng; Công ty Hàng hải Vinashin nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên dệt Minh Khai nợ hơn 4,4 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất ôtô 1-5 nợ 14 tháng, số tiền gần tám tỷ đồng.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, tình trạng này cũng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp nợ từ một đến hai tỷ đồng, như: Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 810; Công ty cổ phần Xây dựng số 6 Thăng Long; Công ty Xây dựng số 8 Thăng Long; Công ty cổ phần Cavico Giao thông…

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

Trao đổi ý kiến với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp xây dựng là những đơn vị có số nợ kéo dài và lớn nhất. Một phần nguyên nhân do đây đều là những đơn vị có nhu cầu sử dụng vốn lớn, nhưng chưa được Nhà nước hoặc các đơn vị đối tác thanh toán kịp thời sau khi xây dựng xong các công trình. Có những đơn vị xây dựng xong một cây cầu đã bảy năm nhưng địa phương vẫn chưa trả xong tiền. Chính vì vậy, một số đơn vị đang nợ BHXH, khi biết tin sẽ bị kiện cho biết họ cũng muốn “được” kiện để có cơ hội công khai và đòi nợ. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Việc nợ đọng phần lớn đều do doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm hoặc đóng muộn.

Cách đây một năm, BHXH Hà Nội cũng đã khởi kiện chín doanh nghiệp nợ BHXH. Các cơ quan BHXH của TP Hồ Chính Minh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đã từng làm việc này. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện nảy sinh một số vấn đề khúc mắc, chưa có tiền lệ. Quá trình chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục với tòa án quá lâu dẫn tới hết thời hạn khởi kiện. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nộp tiền trước khi tòa án mời… hòa giải thì án phí phải sung vào công quỹ, mà số tiền này phía BHXH thành phố sẽ phải chi trả. Do đó, càng kiện nhiều thì cơ quan BHXH càng có khả năng mất nhiều án phí đã ứng. Việc nợ, chiếm dụng tiền BHXH cũng không được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp cũng chỉ cần ra tòa án dân sự để… thanh toán tiền gốc và lãi (thực tế thì mức lãi mà doanh nghiệp phải trả do nợ BHXH cũng chẳng đáng bao nhiêu so với lợi nhuận họ thu được từ việc sử dụng số tiền nợ cho kinh doanh?!).

“Các mức phạt hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm dù mới được quy định tăng lên, áp dụng từ 1-10 tới đây, nhưng mức tăng cũng không đáng kể, chưa đủ sức răn đe”, bà Mai thừa nhận.

BHXH Hà Nội đang phối hợp lực lượng thanh tra lao động tiến hành thanh tra, kiểm tra một loạt doanh nghiệp nợ đọng. Qua đó phát hiện những doanh nghiệp nào cố tình trốn đóng để hoàn thiện thủ tục pháp lý, chuyển hồ sơ sang tòa án để thụ lý khởi kiện. Những doanh nghiệp nào nợ đọng vì lý do khách quan, BHXH có thể linh động, cho doanh nghiệp ký cam kết thời gian trả nợ. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với tòa án, rút kinh nghiệm từ quá trình khởi kiện năm 2009 để có thể hoàn thiện hồ sơ, thụ lý khởi kiện nhanh nhất, tránh tình trạng quá thời hiệu khởi kiện”, bà Mai cho biết.

Thực tế cho thấy, việc nêu tên những doanh nghiệp trốn đóng BHXH lên báo chí và các phương tiện truyền thông đem lại hiệu quả khá tốt. Năm 2009, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng trả nợ BHXH ngay sau khi bị “bêu” tên trên báo chí. Cũng bởi thế, việc tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn đăng tin về những doanh nghiệp trốn đóng BHXH để có thể nhanh chóng thu hồi nợ mà không cần phải ra tòa cũng là việc mà cơ quan BHXH Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới.

TÂM HIẾU
nhandan.com.vn

Comments are closed.