Doanh nghiệp lo mùa bão cuốn… tiền

Các hãng viễn thông cũng là đối tượng phải Mùa bão lũ đang đến, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, hàng không, du lịch…

Cứ có đợt mưa bão là các hãng bảo hiểm lại nơm nớp đứng ngồi không yên, vì có tới cả trăm dịch vụ liên quan tới ngập lụt như bảo hiểm thủy kích xe cơ giới, hàng tồn kho, du khách đi du lịch mùa mưa bão, tàu thuyền đánh cá… Tuy đợt bão Conson vừa qua, địa bàn Hà Nội may mắn không có trường hợp nào gặp trục trặc về xe cộ song mới đây, các hãng bảo hiểm cũng đã phải “dốc hầu bao” ở đợt mưa nặng bất ngờ ngày 13/7 trước đó. Hầu hết các tuyến phố tại Hà Nội bị ngập lụt, hàng hoạt xe hơi gặp sự cố. Tuy không tiết lộ thống kê cụ thể nhưng mức độ thiệt hại được các doanh nghiệp bảo hiểm ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Đặng Tiến Đông, Phó giám đốc Hội sở giao dịch Công ty bảo hiểm Xăng dầu PJICO, cho biết, theo thống kê sơ bộ thì có tới hơn 30 xe trên địa bàn Hà Nội đang sử dụng dịch vụ của PJICO gặp sự cố. Số tiền thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng. Trong đó, đắt tiền nhất là chiếc Mercedes S550 của một khách hàng ở nội thành với mức đền bù bảo hiểm hỏng hóc là 600 triệu đồng, chưa tính trường hợp hỏng động cơ.
Ông Đông cho biết thêm, trận mưa lụt lịch sử vào cuối tháng 10/2008 tại Hà Nội, PJICO đã bảo hiểm cho khoảng 100 ô tô với số tiền trên 20 tỷ đồng. “Đấy là thời điểm đó việc khách hàng mua thêm gói bảo hiểm thủy kích (ngập nước) cho xe còn hạn chế, chứ bây giờ Hà Nội chưa mưa đã ngập nên khách hàng ngày càng coi trọng dịch vụ này, cứ 10 khách mua bảo hiểm cho xe thì có 9 người đăng ký gói thủy kích”, ông Đông nói.
 
Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho hay, trận mưa ngày 13/7 ghi nhận có tới 25 trường hợp khách hàng gặp nạn và đã liên lạc với hãng ngay, trong số đó có 6 ô tô bị thiệt hại nặng liên quan đến điện và máy xe.

Theo Trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới, ông Đinh Quang Tấn, với cùng một vấn đề hỏng hóc thì dòng xe càng đắt, mức bảo hiểm đền bù càng cao. Trong số khách hàng của Bảo Việt có xe bị hỏng hóc ngày 13/7, có không ít dòng xe đắt tiền thuộc các thương hiệu Mercedes, Lexus… “Cũng may mà qua nhiều mùa mưa bão, nhiều khách hàng đã biết cách bảo vệ xe khi gặp sự cố, thế nên nhiều trường hợp hư hỏng không quá nghiêm trọng. Chẳng hạn, khi chết máy, chủ xe để nguyên hiện trạng rồi gọi cứu hộ đến, chứ không tự ý nổ lại máy như trước đây. Nếu nổ lại máy thì xe sẽ hỏng động cơ ngay”, ông Tấn nói.

Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, đợt mưa ngập năm 2008, các hãng bảo hiểm chi tổng cộng 50 tỷ đồng để đền bù thiệt hại cho những ôtô lâm nạn tại Hà Nội, với số lượng xe hỏng hóc là hơn 1.000 xe.

Mỗi lần mưa bão cũng là một thách thức đối với các hãng hàng không. Đợt bão Conson vừa qua, Vietnam Airlines đã phải thông báo hủy và hoãn một số chuyến bay tại khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc trong ngày 17/7.

Sau đó, “để hỗ trợ và giải quyết nhu cầu đi lại cho hành khách trên đường bay TP HCM – Hải Phòng, Vietnam Airlines đã phải bố trí thêm 2 chuyến bay bù vào ngày 18/7, khi bão Conson có dấu hiệu suy giảm”, ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết.

Theo ông Dũng, Vietnam Airlines đã đầu tư công sức, tiền của để chủ động chuẩn bị các phương án dự phòng, tăng cường lực lượng trực điều hành 24/24, chuẩn bị máy bay và nguồn lực để tăng chuyến và bay bù trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng đối phó với diễn biến của bão và cố gắng thông tin tới hành khách sớm nhất về tình hình khai thác của các chuyến bay.

Các hãng viễn thông cũng là đối tượng phải chi nhiều trong các đợt bão lũ vừa qua khi nhiều hãng phải dốc hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp mạng lưới, xây dựng hạ tầng, đồng thời lên phương án sẵn sàng đối phó với mưa bão.
Theo thông cáo báo chí của Viettel, tính từ tháng 3 đến nay, hãng đã dốc 600 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, nâng cấp mạng lưới, sẵn sàng đối phó với thiên tai, bão lũ cho giai đoạn từ nay đến năm 2011. Bên cạnh đó, để phòng tránh lụt bão gây mất sóng trên diện rộng, Viettel cũng tiến hành khảo sát và xác định 800 vị trí để lắp đặt trạm phát sóng di động tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên.

Các trạm sẽ được gia cố và xây dựng với tiêu chí: cột anten chịu được gió giật từ cấp 11 đến trên cấp 12, thiết bị kỹ thuật được đặt cao hơn đỉnh lũ lịch sử tại địa phương. Viettel còn lắp máy nổ tại tổng cộng 70% số trạm trên để sẵn sàng đối phó trong tình huống điện lưới bị cắt. Ngoài ra, nhà mạng này còn lập ban phòng chống thiên tai từ cấp công ty con cho tới tập đoàn để xây dựng kế hoạch và điều hành công tác phòng chống bão lũ.

Ông Tào Đức Thắng, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết thêm, đợt bão Conson vừa qua có hai trạm thu phát sóng tại đảo Bạch Long Vĩ bị bão đánh gây trục trặc, doanh nghiệp phải dốc khá nhiều tiền để nâng cấp và xây dựng lại.

Đại diện Vinaphone và Mobiphone cũng cho biết đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nâng cấp mạng lưới, bố trí hệ thống máy phát ở những khu vực nằm trong vùng bão để sẵn sàng đối phó khi điện cắt.

Với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, thiệt hại do bão gây ra tuy không quá lớn như với các tập đoàn trên, nhưng cũng khó mà đong đếm được.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Trung tâm lữ hành quốc tế Hà Nội Red Tour, cho biết, trong đợt bão Conson vừa qua, trung tâm có 8 tour du lịch quốc tế và hơn chục tour nội địa. Những tour quốc tế thì vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, các tour du lịch nội địa tại những khu vực phía Trung – Bắc đều bị hủy hết.

“Với các đoàn khách quốc tế đi du lịch trong nước, hay khách từ miền Nam ra Hà Nội để đi tour các tỉnh phía Bắc, khi hủy tour chúng tôi phải lo chỗ ăn ở cho họ. Có những đoàn khách khi đang đi du lịch tại một khu vực nào đó thì chúng tôi nhận được tin bão, đành yêu cầu họ “án binh bất động” ở đấy đợi hết bão. Lúc đó chúng tôi lại phải gia hạn phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống và chi phí chúng tôi phải chịu phần lớn. Đấy là chưa nói mỗi lần có bão, hủy tour, doanh thu trong ngày của công ty bị giảm trầm trọng”, ông Hoan nói.
Đông Nhiên
BÁO ĐẤT VIỆT

Comments are closed.