Doanh nghiệp chưa hiểu bảo hiểm tín dụng

Đó là nhận định của Luật sư Võ Nhật Thăng – chuyên gia về Luật Hàng hải, Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên lề cuộc Hội thảo về rủi ro và giải pháp nâng cao cạnh tranh phát triển bền vững xuất khẩu Việt Nam do Công ty Bảo hiểm Chartis Việt Nam phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của bảo hiểm tín dụng trong xuất khẩu?

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ giúp bồi thường cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu những thiệt hại do khách hàng nhập khẩu không có khả năng thanh toán, do bị phá sản, hoặc do rủi ro chính trị (bị quốc hữu hóa hay bị cấm kinh doanh).

Nếu chúng ta thu xếp mua được bảo hiểm tín dụng đối với hàng xuất khẩu thì tỷ lệ hàng xuất khẩu chúng ta bán CIF (nghĩa là người bán phải cung cấp hàng đã có C, I và F, trong đó C (cost) là tiền hàng, I (Insurance) là bảo hiểm và F (Freight) là giá cước vận chuyển) sẽ tăng lên. Nếu DN không thu xếp được nhà cung cấp bảo hiểm có tín nhiệm thì các đối tác nước ngoài sẽ mua bảo hiểm nước ngoài. Như vậy, tỷ lệ bán CIF sẽ không được tăng lên nhiều, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khấu sẽ tăng ì ạch.

Lợi thế của phương thức bán giá CIF ?

Tập quán kinh doanh trong xuất – nhập khẩu lâu nay ở Việt Nam là “mua CIF, bán FOB. Tưởng là nhàn, nhưng tập quán này khiến các DN bị động vì đối tác nước ngoài sẽ “ấn” cho DN những điều kiện bảo hiểm rẻ hơn để họ có lãi nhiều. Do vậy, DN nên bán CIF để tự đi mua bảo hiểm từ đó chủ động hơn khi có rủi ro xảy ra. Nếu DN thu xếp mua được bảo hiểm tín dụng trong xuất khẩu thì tỷ lệ hàng xuất khẩu bán giá CIF sẽ tăng lên.

Nếu không mua bảo hiểm tín dụng thương mại thì sao, thưa ông?

Họ có thể bị rủi ro về tài chính trong trường hợp khách mua sản phẩm bị phá sản. Tôi lấy ví dụ một DN Việt Nam bán hàng cho một DN nước ngoài nhưng chẳng may DN mua đó bị phá sản. Nếu DN Việt không mua bảo hiểm tín dụng thì tất yếu sẽ phải chịu toàn bộ tổn thất. Ngược lại, nếu đã mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ trước đó thì DN sẽ được nhà bảo hiểm bồi thường thỏa đáng. Ngoài ra, DN có thể gặp bất trắc trong quá trình vận chuyển. Ví dụ như nhiều công ty phải chở hàng ra nước ngoài nhưng lại thuê tàu không phù hợp nên hư hỏng hàng hóa.

Vì vậy, nếu mua bảo hiểm tín dụng hoặc bảo hiểm hàng hóa thì DN sẽ hoàn toàn yên tâm.

Nhận thức của DN đối với vấn đề bảo hiểm tín dụng trong kinh doanh?

Điểm yếu lớn nhất của các DN hiện nay là không hiểu một cách đầy đủ về điều kiện bảo hiểm mà thông lệ quốc tế đang áp dụng. Trong khi hiện nay, phần lớn các DN quốc tế đều áp dụng điều kiện bảo hiểm năm 2009 thì DN Việt Nam vẫn chỉ quen áp dụng các quy định từ năm 1982, tức là cách đây gần 20 năm.

Hiện nay, tỷ lệ các DN Việt Nam làm quen với việc mua bảo hiểm tín dụng đã tăng nhiều, tuy nhiên 2/3 DN vẫn chưa thực sự làm quen với các điều kiện bảo hiểm. Nhiều DN vẫn còn ngại ngùng nghiên cứu các điều kiện bảo hiểm mới vì các điều kiện bảo hiểm cũng như bất cứ thông lệ nào đều thường xuyên thay đổi và cập nhật. Trong khi đó, thương mại ngày càng phát triển, tốc độ thay đổi càng nhanh, đòi hỏi các DN phải thường xuyên cập nhật để hiểu rõ và áp dụng vào thực tế.

Ông có chia sẻ kinh nghiệm gì với các DN xuất khẩu?

DN muốn đảm bảo được rủi ro khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài thì nên mua hai loại bảo hiểm. Một là bảo hiểm tài chính xuất khẩu, hai là bảo hiểm rủi ro đối với hàng hóa trong khi vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không.

Trong bảo hiểm có quy định, tùy theo trị giá hàng khi mua bảo hiểm sẽ có các điều kiện A, B, C. Theo đó, A sẽ là mức được bồi thường cao nhất, B là mức trung bình và mức C là mức bồi thường thấp nhất. Nhiều DN ta nghĩ đơn giản là chỉ cần mua mức C vì giá thành ít nhưng khi gặp rủi ro thì chỉ được bồi thường ít. Vì vậy, DN cần cân nhắc trị giá hàng hóa. Nếu hàng tốt, hàng trị giá cao thì nên mua điều kiện A, hàng thông thường thì có thể mua điều kiện B, điều kiện C.

Để tìm được DN có mức bảo hiểm phù hợp về giá cả thì phải so sánh đơn chào hàng của các đơn vị khác nhau. Nhưng đừng nghĩ rằng số tiền bồi thường nhiều đã là tốt, mà phải chú ý tới trách nhiệm của DN bảo hiểm. Bên cạnh đó, DN cũng nên có bộ phận chuyên gia nghiên cứu sâu về thông lệ quốc tế, cập nhật thông tin mới để tránh thiệt hại không đáng có vì không am hiểu luật quốc tế.

Kim Giang
stockbiz.vn

Comments are closed.