DN nợ BHXH: Người lao động chịu hậu quả

(Tamnhin.net) – Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội trở thành chủ nợ khổng lồ với con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đó không chỉ là hồi chuông báo động về tình trạng “chây ỳ” của các doanh nghiệp “trốn” nộp Bảo hiểm xã hội trong cả nước mà đằng sau tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp còn là hàng trăm, ngàn người lao động mất hoặc không được hưởng đúng quyền lợi chính đáng của mình.

Dù chỉ là một huyện nhỏ nhưng cho đến hết trung tuần tháng 9/2011 chỉ với một số doanh nghiệp nợ đọng kéo dài trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Bảo hiểm xã hội huyện này đã thành chủ nợ với con số lên tới trên 5 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy đóng tàu Bến Thủy trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam là đơn vị nợ đọng kéo dài trong 21 tháng (từ tháng 12/2009) với số nợ gần 4,5 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến những doanh nghiệp còn giấu lao động hoặc các doanh nghiệp kinh doanh mang tính chất thời vụ… Khiến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Nghỉ hưu 13 tháng không lương?

Trường hợp 12 công nhân nhà máy đóng tàu Bến Thủy đã có quyết định nghỉ hưu từ năm 2010 nhưng sau 13 tháng rong ruổi nộp đơn kiến nghị đòi quyền lợi Bảo hiểm xã hội có lẽ cũng không phải là chuyện hiếm gặp hiện nay.

Chị Trịnh Thị Thuận, công nhân kỹ thuật hàn vỏ tàu thủy bậc 6/7 của nhà máy đóng tàu Bến Thủy trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có quyết định nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do giám đốc cũ của công ty ký từ 1/9/2010. Cô Thuận là một công nhân với thâm niên 28 năm công tác tại công ty, nhưng cho đến nay sau 13 tháng nghỉ việc, qua hai đời giám đốc cô vẫn chưa nhận được một đồng lương hưu hàng tháng.

Cô cho biết dù tháng nào cô cũng phải trích 8,5% trong tổng số tiền lương để cho công ty nạp tiền bảo hiểm nhưng cho đến nay sau hơn một năm nghỉ việc cô vẫn chưa nhận được một đồng tiền lương hưu theo đúng chế độ của mình, thậm chí là một trong số ít công nhân có bệnh đã được giám định mất sức lao động năm 2010 nhưng ngay cả bảo hiểm y tế cô cũng không có. Vốn có bệnh dạ dày, thường xuyên phải đi viện thăm khám chữa bệnh nhưng lâu nay chị Thuận luôn phải bỏ tiền khám chữa ngoài như những người không có chế độ.

Không chỉ có chị Thuận, mà còn hàng chục người lao động khác cũng trong cảnh “chờ chế độ” như bác Lê Đình Bình, bác Trần Văn Cảnh… là những người công tác lâu năm tại công ty, có người có thâm niên tới 37 đến 38 năm công tác nhưng từ khi có quyết định nghỉ hưu đến nay các bác vẫn không nhận được bất cứ quyền lợi chính đáng nào mà đáng nhẽ được hưởng. Không những nghỉ việc không có lương hưu mà khi người lao động đau ốm, bệnh tật… Như bác Hà Văn Trúc bị gãy chân, bác Nguyễn Văn Qúy thường xuyên phải đi điều trị bệnh viêm loét dạ dày, chị Hoàng Thị Tuấn Hoa không may bị gãy tay… cũng không được hưởng bất cứ chế độ nào mà họ đáng được hưởng, không có bảo hiểm y tế, không có lương hưu…

Không chỉ khó khăn về kinh tế khi nghỉ việc mà không được hưởng lương hưu người lao động còn phải chờ đợi trong mệt mỏi về tinh thần và mất lòng tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đáng thương hơn cả vẫn là một số lao động tại nhà máy đóng tàu Bến Thủy phải nghỉ làm khi nhà máy thiếu việc nhưng hàng tháng vẫn phải gom góp tiền mang đến công ty để “gửi” công ty 100% tiền nộp bảo hiểm với mong muốn sau về già sẽ có chút lương hưu nhưng về hưu đã lâu người lao động vẫn không nhận được bất cứ nguồn thu nhập nào hàng tháng.

Vì sao?

Có thể nói một số doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có ý thức trong việc nộp bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trên thực tế vẫn còn tư tưởng cố ý chiếm dụng tiền lương của người lao động. Bởi hàng tháng người lao động vẫn luôn phải trích 8,5% tổng số tiền lương của mình lại để doanh nghiệp thực hiện nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vậy thì không có lý do gì để doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm của người lao động kéo dài đến hàng năm thậm chí là 2, 3 năm? Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp giữ lại số tiền lớn như vậy để làm gì? Và vì sao tình trạng nợ đọng bảo hiểm lại kéo dài như vậy?

Có rất nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để khất nợ với cơ quan bảo hiểm xã hội trong đó lý do cơ bản nhất vẫn là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008, suy thoái kinh tế, lạm phát kéo dài… khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn và làm ăn thua lỗ phải thu hẹp mô hình sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế đã và đang trong giai đoạn được phục hồi dù có khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng phần nào được Nhà nước quan tâm hỗ trợ khó khăn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế thậm chí là cho doanh nghiệp vay tiền để tái sản xuất và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Vậy thì không có lý do gì để doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội kéo dài trong nhiều tháng như vậy? Phải chăng là doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền của người lao động bằng việc ăn chặn tiền bảo hiểm xã hội. Đã khấu trừ lương hàng tháng của người lao động thậm chí là thu 100% tiền đóng bảo hiểm của một số lao động nhưng lại không nộp bảo hiểm cho họ. Lý do đưa ra là để tái sản xuất – thực chất là chiếm dụng tiền của người lao động. Bởi với số tiền lên tới hàng tỷ đồng nếu doanh nghiệp muốn vay ngân hàng đòi hỏi phải có thế chấp và phải qua quá trình thẩm định khắt khe của ngân hàng với mức lãi suất cao.

Trong khi mức lãi suất quy định đối với các doanh nghiệp chậm đóng BHXH chỉ 10,5%/năm (số tiền nợ), lãi BHYT chỉ có 0,667%, lãi BHXH là 0,775%. Với mức lãi suất thấp như vậy chính là động lực thôi thúc các doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội làm vốn. Hơn thế nữa chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại quá nhẹ, theo nghị định 86/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Xử phạt hành chính đối với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá hạn, trốn đóng BHXH thì mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp tiền bảo hiểm đúng hạn cho người lao động.

Về phía người lao động thì một phần do thiếu hiểu biết về pháp luật, do nhu cầu công việc, một phần do người lao động chỉ quan tâm đến vấn đề thu nhập mà “lãng quên” rằng một phần tiền lương của mình đã được “giữ lại” chỉ đến khi “có chuyện” xảy ra hoặc về hưu mà không được hưởng chế độ, quyền lợi thì mới lên tiếng đấu tranh.

Cơ quan BHXH nói gì?

Ông Hồ Văn Phong, Giám đốc Chi nhánh bảo hiểm xã hội huyện Nghi Xuân cho biết: “Về nguyên tắc BHXH thu theo đơn vị kinh doanh chứ không thu theo đầu người lao động, doanh nghiệp nộp tiền bảo hiểm đến đâu thì cơ quan BHXH mới giải quyết đến đó, các đối tượng dù được cấp sổ BHXH nhưng do cơ quan, đơn vị chủ quản không thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động kể như không có giá trị. Có những người lao động gần đến ngày nghỉ hưu hoặc đủ tuổi nghỉ hưu, hay những người thuyên chuyển công tác, thai sản, ốm đau… nhưng do doanh nghiệp không đóng tiền BHXH nên quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, người lao động không được hưởng chế độ mà đáng ra họ được hưởng để ổn định cuộc sống”. Chính sự cố ý làm trái, chiếm dụng vốn xâm hại quyền lợi của người lao động để trục lợi của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến xã hội dẫn đến nghịch lý “ Nhà nước kiện dân sự với doanh nghiệp”.

Phải chăng, ngành BHXH cần tăng cường, đôn đốc kiểm tra xử lý vi phạm và phối hợp giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người lao động về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thực hiện BHXH, các cơ quan chức năng cần phải xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa, tích cực thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh nhưng đồng thời cũng tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với các doanh nghiệp và người lao động để không còn thực trạng doanh nghiệp “trốn” hay “chiếm dụng” tiền bảo hiểm của người lao động. Và điều quan trọng cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan như: kế hoạch đầu tư, thuế, lao động – thương binh & xã hội (LĐ-TB&XH), BHXH, chính quyền địa phương để mang lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Ngọc Tuấn – Hồng Điệp
Báo điện tử Tầm Nhìn – http://www.tamnhin.net

Comments are closed.