
Sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, DNBH nước ngoài được thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ… Lộ trình cam kết mở cửa kể trên đang tạo áp lực rất lớn đối với DNBH trong nước, nhất là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Khi rào cản được rỡ bỏ
Đến hết tháng 6/2008, đã có 9 DNBH nước ngoài nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động, trong đó có 3 DNBH của Đài Loan.
Hiện tại, có 26 DNBH phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường. Bộ Tài chính dự kiến cấp phép cho khoảng 10 DNBH mỗi năm, chủ yếu là DNBH phi nhân thọ, khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt.
Theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, DNBH nước ngoài sẽ ngày càng tiếp cận gần hơn với thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Cụ thể, DNBH nước ngoài được cung cấp dịch vụ qua biên giới cho DN và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, mà không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Ngoài ra, DNBH nước ngoài được phép bảo hiểm vận tải biển và hàng không; dịch vụ môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, đánh giá tác động rủi ro và giải quyết bồi thườn
Như vậy, DNBH phi nhân thọ Việt Nam rất khó tiếp cận nhóm khách hàng là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thị phần của DNBH phi nhân thọ trong nước cũng giảm xuống khi DNBH nước ngoài được tham gia bảo hiểm bắt buộc, vốn là thế mạnh của DNBH trong nước trước đây.
Trên thị trường, bắt đầu xuất hiện DNBH có vốn đầu tư nước ngoài ở nghiệp vụ bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm cháy nổ (Samsung Vina, UIC). Tới đây, trên thị trường sẽ nở rộ dịch vụ bảo hiểm tài chính, bảo hiểm rủi ro gián đoạn kinh doanh, tín dụng, bảo hiểm cho người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài.
Chưa chịu tác động lớn
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2007, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trên toàn thị trường đạt 8.258 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2006 và gần đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển đến năm 2010 (9.000 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng đầu về doanh thu vẫn là Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, AAA, BIC, Toàn Cầu và Viễn Đông.
Doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới là cao nhất, tiếp theo là bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm cháy nổ và rủi ro, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu…
Như vậy có thể thấy, sau hơn một năm là thành viên của WTO, thị phần bảo hiểm phi nhân thọ vẫn nằm trong tay DNBH Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù có sự mở cửa trong lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng DNBH nước ngoài cũng không dễ triển khai ngay các dịch vụ cũng như mở rộng, chiếm lĩnh thị phần. Việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm đòi hỏi phải có mạng lưới rộng, đội ngũ môi giới chuyên nghiệp…, những vấn đề mà DNBH nước ngoài không thể giải quyết sớm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sức ép cạnh tranh đang rất lớn.
Đơn cử như trong lĩnh vực bảo hiểm kỹ thuật, tỷ lệ phí bảo hiểm sau 5 năm đã giảm tới trên 50%, trong khi cảnh báo thiên tai tại Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều và mức tàn phá ngày một tăng.
Các DN môi giới bảo hiểm đã soạn thảo nhiều đơn chào mua bảo hiểm với nhiều điều khoản, điều kiện bảo hiểm mở rộng, khấu trừ giảm hoặc không có, phí bảo hiểm hạ song vẫn có DNBH chấp nhận.
Trên thực tế, nhiều chủ dự án ép DNBH phải đặt cọc thực hiện hợp đồng, trích lại 5% bảo lãnh sau khi hết hạn hợp đồng bảo hiểm… Trong khi đó, đầu tư công nghệ của DNBH trong nước thiếu đồng bộ, chưa cập nhật từng hợp đồng bảo hiểm phát sinh, chưa phân loại được khách hàng, còn những lỗ hổng để khách hàng trục lợi bảo hiểm.
Các cam kết về tự do hóa trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến DNBH trong nước, tuy ở thời điểm hiện tại, mức độ chưa rõ rệt.
Thách thức lớn nhất với DNBH trong nước hiện nay là nếu không có cái nhìn dài hạn, bài bản, đổi mới phục vụ khách hàng, quản lý rủi ro… thì khó có thể phát triển bền vững.
Ông Trần Vĩnh Đức, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, bài học về hội nhập của DNBH trong thời gian qua là tập trung đầu tư vào nhân lực thông qua nhiều chính sách, chế độ, đào tạo huấn luyện. Cùng với đó là mở rộng kênh phân phối để phủ kín địa bàn, đồng thời tập trung vào các địa bàn trọng tâm, trọng điểm có nhiều tiềm năng, chú trọng đầu tư công nghệ.
Theo Đầu tư chứng khoán
Comments are closed.