Đề xuất cơ quan thuế làm đầu mối thu các khoản bảo hiểm

Đề xuất giao cơ quan thuế là cơ quan đầu mối tập trung thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp(Chinhphu.vn) – Việc giao cơ quan thuế làm đầu mối thu các khoản bảo hiểm xã hội và thuế thu thập cá nhân vừa bảo đảm được quyền lợi cho người lao động, giảm chi phí và gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, vừa tiết kiệm thời gian, nhân lực cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Chiều nay (24/8), Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục thuế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc tập trung đầu mối thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp về cơ quan thuế cùng với việc thu thuế thu thập cá nhân.

Theo Tổ công tác, hiện nay, việc nộp thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được doanh nghiệp thực hiện một cách độc lập.

Trong khi đó, cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội lại không có sự chia sẻ thông tin để kiểm tra tính nhất quán của các số liệu mà doanh nghiệp sử dụng làm căn cứ khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như khai và nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, đã phát sinh các gian lận như không kê khai hoặc kê khai không đủ số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải nộp theo mức lương thực tế cho tất cả người lao động của doanh nghiệp…  Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội không truy thu được số tiền mà doanh nghiệp đã khai báo nhưng chưa nộp. Ngược lại có doanh nghiệp khai báo và nộp đủ số tiền bảo hiểm cho người lao động nhưng lại khai thấp mức lương thực tế của người lao động.

Bên cạnh đó, nếu quy định không chặt chẽ về quản lý và sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng thất thoát nguồn thu, không đủ nguồn để chi trả các khoản an sinh xã hội và phải bù đắp từ nguồn ngân sách.

Qua nghiên cứu, Tổ công tác của Thủ tướng đề xuất phương án đơn giản hóa là giao cơ quan thuế làm  đầu mối tập trung thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, cần quy định rõ hệ thống kiểm soát việc thu các khoản bảo hiểm, hệ thống chi các khoản an sinh, hệ thống quản lý tài chính và danh mục đầu tư và duy trì cơ sở dữ liệu, hệ thống báo cáo và tính chịu trách nhiệm.

Việc đơn giản hóa sẽ giúp tránh gian lận, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế  hoặc kê khai và nộp thiếu các khoản này. Mặt khác, sẽ giảm được chi phí quản lý hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức.

Ông Ngô Đình Quang, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục thuế) đồng tình với chủ trương trên nhưng cho rằng bước đi, tổ chức thực hiện rất phức tạp, bởi đang có sự khác nhau về quy trình giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nếu có giao cho cơ quan thuế đứng ra thu các khoản bảo hiểm thì vẫn chưa cải cách nhiều TTHC vì hai cơ quan vẫn phải tách bạch các khoản thu.

Đại diện Bộ Y tế cũng đồng ý về mặt chủ trương nhưng băn khoăn vấn đề là quản lý thu, chi và quản lý quỹ như thế nào cho hiệu quả?

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, cơ quan thuế thu vào ngân sách, còn bảo hiểm thu để chi lại cho người lao động. Vấn đề mấu chốt là ý thức thi thực pháp luật trong khi chế tài còn thấp.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, quá trình thu đã phức tạp, chi còn phức tạp hơn. Vì thế, cần rà soát lại các thủ tục xem có trùng hay không, quy trình nghiệp vụ, phương pháp quản lý ra sao để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng, đây là chủ trương lớn của Chính phủ và không phải là vấn đề mới. Việc triển khai thực hiện chủ trương này sẽ bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng giảm được chi phí, thời gian và nhân lực cho các cơ quan thực hiện. 

Lê Sơn
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Comments are closed.