Để bảo hiểm y tế thực sự hấp dẫn người dân

altTại hội thảo về xây dựng Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn 2020 do Bộ Y tế tổ chức, băn khoăn lớn nhất của nhiều đại biểu là làm sao để người dân thực sự quan tâm đến BHYT.

Hàng triệu người dân bị ảnh hưởng do không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế mà họ cần, hoặc do chi phí cho các dịch vụ y tế đẩy họ vào cảnh đói nghèo. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về giải pháp làm tăng tính hấp dẫn của BHYT đối với mỗi người dân.

–  Thưa Bộ trưởng, việc mở rộng BHYT ở các địa phương còn nhiều bất cập, nguyên nhân do đâu?

– Cho đến nay, rất ít địa phương có nghị quyết của tỉnh ủy, HĐND về thực hiện BHYT. Có tình trạng cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, đơn vị. Nhiều nơi còn có biểu hiện “khoán trắng” việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHYT cho ngành Y tế và cơ quan BHXH địa phương, chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội. 

– Như vậy việc thực hiện BHYT chưa được mở rộng đối với nhiều đối tượng?

–  Đúng như vậy! Trong tổ chức thực thi Luật BHYT, việc thiếu đồng bộ về phương pháp cũng như sự phối hợp dẫn đến hạn chế trong mở rộng đối tượng tham gia đối với một số nhóm đặc thù. Thủ tục hành chính phức tạp có nguyên nhân từ cơ chế thanh toán chi phí và cách thức tổ chức khám chữa bệnh BHYT cũng góp phần làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT đối với người đã tham gia BHYT và những người chưa tham gia BHYT. Hạn chế này vẫn đang là một trở ngại cho việc mở rộng bao phủ BHYT.

– Theo Bộ trưởng, hiện nay BHYT đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia chưa?

–  Có thể nói, quyền lợi BHYT chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia, đôi khi những dịch vụ y tế thuộc phạm vi quyền lợi đã được xác định cũng không được bảo đảm. 

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay thì số lượng người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lao động phi chính quy sẽ không ngừng tăng lên, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ ngày càng giảm dần. Trong khi mức đóng BHYT của nhóm người lao động này do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, quản lý số lượng lao động này cũng tương đối khó khăn, đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong việc mở rộng bao phủ ở những đối tượng này nếu như không có sự vào cuộc đồng bộ, triệt để của các Bộ, ngành, cấp. 

– Xin Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và năm 2020? 

–  Mục tiêu của đề án là tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%. Mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ hơn 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT và từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.

–  Thưa Bộ trưởng, vì sao người dân chưa mặn mà với BHYT? 

– Đứng ở góc độ cá nhân, đâu đó người dân vẫn còn thấy quyền lợi về chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Người dân chưa hài lòng vì thủ tục khám chữa bệnh và phải mất thời gian chờ đợi. Chất lượng khám chữa bệnh càng thấp hơn khi tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến BHYT vẫn tồn tại, dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên. Đó là những lý do chưa hấp dẫn người dân tham gia BHYT. 

–  Bộ trưởng có thể cho biết ích lợi của người dân khi tham gia BHYT? 

–  Đánh giá một cách toàn diện thì tham gia bảo hiểm là mỗi người dân đã được hưởng những quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. So với các nước, gói dịch vụ y tế của người tham gia BHYT Việt Nam được hưởng cao hơn rất nhiều so với mức đóng 4,5% lương cơ bản (khoảng 500.000 đồng). Đặc biệt, mỗi người dân đã thực hiện trách nhiệm công dân trong việc chia sẻ rủi ro của cộng đồng, phòng tránh rủi ro tài chính cho người nghèo, nguồn quỹ BHYT đã đóng góp gần 20% tổng chi tiêu y tế của toàn xã hội.

–  Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo QDND

{flike}

Comments are closed.