Để bảo hiểm vi mô có lãi

(Webbaohiem) – Được coi là một giải pháp để thu hẹp khoảng cách bảo vệ tại châu Á, tuy nhiên bảo hiểm vi mô đang phải vật lộn để tồn tại do chi phí cao, lợi nhuận thấp và nhận thức của các công ty bảo hiểm truyền thống cho rằng đó là nỗ lực mang tính trách nhiệm xã hội chứ không phải vì mục đích thương mại.

Bảo hiểm vi mô

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, công nghệ và phương pháp tiếp cận mới giúp cho bảo hiểm vi mô trở thành một nghiệp vụ có tiềm năng phát triển bền vững và có lợi nhuận. Đồng thời, một số công ty khởi nghiệp đang dành sự quan tâm tới bảo hiểm vi mô như một cơ hội hấp dẫn để thâm nhập thị trường.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏeBảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe Bảo Việt

Chẳng hạn, chỉ trong tuần trước, công ty Insurtech công nghệ blockchain Etherisc đã hợp tác với Oxfam và Aon để cung cấp bảo hiểm vi mô cho nông dân trồng lúa ở Sri Lanka. Chương trình sẽ sử dụng công nghệ blockchain để tự động hóa các sản phẩm bảo hiểm tham số, chuyển đổi và đơn giản hóa quy trình yêu cầu đến mức người nông dân không cần gửi yêu cầu bồi thường và công ty bảo hiểm sẽ không cần cử giám định viên tới thực địa.
Ông Michiel Berende, Phụ trách bảo hiểm của Etherisc, bình luận: “Đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, khi tổn thất xảy ra là thời điểm đặc biệt nhạy cảm và khó khăn, vì vậy họ cần một quy trình yêu cầu bồi thường nhanh chóng, đơn giản và rõ ràng”.

“Với công nghệ blockchain, việc chi trả bồi thường có thể được thực hiện ngay lập tức. Do đó, trong một số trường hợp sẽ giúp những nông dân không có khả năng tiếp cận với các tổ chức tài chính không phải đi vay nặng lãi. Ngưỡng kích hoạt thanh toán sẽ phải được sự chấp thuận và giám sát của các nhà cung cấp dữ liệu bên ngoài, với công nghệ blockchain làm cho dữ liệu đó an toàn hơn và đáng tin cậy hơn”.

Bằng cách hợp tác với Oxfam, Etherisc đang tiếp cận với một kênh phân phối hiện tại và cực kỳ hiệu quả.

“Chúng tôi đã có thể thiết lập một cơ sở vững chắc để hỗ trợ nông dân ở Sri Lanka”, ông Bojan Kolundzija, Giám đốc quốc gia của Oxfam ở Sri Lanka cho biết. “Chúng tôi đã giáo dục nông dân, xây dựng niềm tin và tạo ra các giải pháp lâu dài”.

Theo ông Michael McCord, Giám đốc Trung tâm vi mô của Milliman, người gần đây đã gặp các nhà lãnh đạo cấp cao tại Jakarta và Kuala Lumpur, các công ty bảo hiểm truyền thống cũng đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này.

Trong một báo cáo tóm tắt các cuộc thảo luận của mình ở châu Á, ông McCord nói: “Microinsurance đã vượt ra khỏi khuôn khổ một sáng kiến CSR (Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp). Nếu được thực hiện đúng, nó có thể mang lại lợi nhuận và bền vững, cũng như cung cấp giá trị quan trọng cho các chủ hợp đồng có thu nhập thấp. Thông thường, các công ty bảo hiểm có xu hướng xem xét việc thêm bảo hiểm vi mô vào danh mục đầu tư của họ khi các sản phẩm hàng đầu của thị trường bắt đầu trở nên bão hòa và cạnh tranh gây áp lực lên doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp”.

Nhưng giá trị thực sự nằm ở chỗ nắm bắt cơ sở khách hàng có khả năng chuyển sang các sản phẩm bảo hiểm truyền thống vì thu nhập của họ tăng lên tương ứng với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, cũng như phát triển các lĩnh vực – như phân phối, giải quyết bồi thường và hiệu quả quản lý – ứng dụng cho toàn bộ doanh nghiệp.

Các công ty thường lo ngại rằng để một chương trình bảo hiểm vi mô có lợi nhuận thì số lượng chủ hợp đồng cần thiết là quá lớn và quá đắt đỏ. Tuy nhiên, ông McCord phản đối điều này với dẫn chứng về trường hợp thành công của bảo hiểm vi mô tại quốc gia Belize khu vực Trung Mỹ chỉ có dân số vẻn vẹn chưa đến 400.000 người.

Theo ông, mấu chốt là hiểu được cơ sở khách hàng và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của họ. Ví dụ, từ ngữ trong đơn bảo hiểm phải đủ đơn giản để in vừa trong 1 tấm danh thiếp. Và bằng cách giảm hoặc thậm chí loại bỏ các điều khoản loại trừ, các công ty bảo hiểm có thể giải quyết khiếu nại bồi thường nhanh hơn và rẻ hơn.

Như ví dụ Etherisc ở Sri Lanka cho thấy, quan hệ đối tác thông minh có thể khai phá các kênh phân phối hiệu quả và đáng tin cậy. Theo ông McCord, kỳ vọng các khách hàng không có tài khoản ngân hàng sẽ mua bảo hiểm từ các chi nhánh của ngân hàng cho vay trên toàn quốc là “không hợp lý”. Các đối tác thành công trên thực tế bao gồm các cửa hàng cầm đồ, cửa hàng tạp hóa và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – những doanh nghiệp mà khách hàng đã có mối quan hệ và tạo lập được mức độ tin tưởng nhất định.

Các công ty bảo hiểm truyền thống thường bỏ qua thị trường này do tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro. Vì vậy, chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước sẽ có năng lực tốt hơn để hỗ trợ những người mới gia nhập thị trường phục vụ một khu vực đang bị lãng quên, và khi đó các doanh nghiệp trẻ có thể thành công trong việc cung cấp bảo hiểm cho các cộng đồng này.
Nhà bảo hiểm vi mô hôm nay, hãng bảo hiểm lớn ngày mai?

Trần Lâm (Sưu tầm và dịch).