Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm cho chủ xe cơ giới

Trong 3 năm, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã lập biên bản xử lý 467.693 trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; phạt tiền hơn 125,36 tỷ đồng.

Đại diện Cục CSGT, Cục QLBH và HHBH ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: Hồng Chi

Ngày 2/2 tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 3 năm (2015, 2016, 2017) thực hiện các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (BBTNDS) của chủ xe cơ giới và thực hiện Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25/2/2009 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 35).

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe gia đìnhbảo hiểm cho bémua bảo hiểm cho con

Báo cáo do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trình bày cho thấy, qua 3 năm triển khai quy chế phối hợp giữa Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBH) về thực hiện bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới đã được tăng cường như: Tổ chức thực hiện các phóng sự về trục lợi bảo hiểm; tuyên truyền các tin, bài về các quy định pháp luật đối với bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới trên các báo, đài, website…

Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã tổ chức tuyên truyền 13.590 lượt với 1.684.600 lượt người tham gia. Trong đó, đã xây dựng trên 100 phóng sự tuyên truyền về bảo hiểm BBTNDS chủ xe cơ giới; tổ chức nhiều hội thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), treo trên 1.000 pano, áp phích tại các ngã ba, ngã tư, chốt đèn tín hiệu giao thông; phát trên 80.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới.

Về công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, trong 3 năm, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 467.693 trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; phạt tiền hơn 125,36 tỷ đồng.

Về việc phối hợp giữa các bên trong công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm, đại diện Cục CSGT cho biết, khi có yêu cầu của DNBH, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và từng vụ tai nạn giao thông (TNGT) cụ thể xảy ra, lực lượng CSGT đã cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ TNGT cho cơ quan bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường theo quy định. Cụ thể, trong 3 năm, lực lượng CSGT đã cung cấp 11.672 hồ sơ vụ TNGT theo công văn đề nghị hoặc giấy giới thiệu của các DNBH.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục QLBH Phùng Ngọc Khánh cho biết, hàng năm, Cục CSGT, Cục QLBH và HHBH cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn liên ngành công tác tại các địa phương trên toàn quốc nhằm kịp thời chỉ đạo, giám sát tình hình thực hiện, nắm bắt tình hình thực tế, giải đáp các vướng mắc của cơ sở, tiếp nhận các kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ bảo hiểm BBTNDS chủ xe cơ giới.

Báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy, sau 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 35, việc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về trách nhiệm bảo hiểm của chủ xe cơ giới giữa các DNBH với cơ quan công an còn chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến sự hiểu biết về nội dung, ý nghĩa, mục đích, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm của người dân còn hạn chế; còn tồn tại nhiều trường hợp chưa tự nguyện mua bảo hiểm BBTNDS chủ xe cơ giới; việc phối hợp, thông tin hai chiều giữa lực lượng cảnh sát giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra với DNBH còn hạn chế…

Nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm BBTNDS chủ xe cơ giới, theo đại diện các đơn vị, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới.

Đại diện các đơn vị cũng cho rằng, hiện nay, hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới còn hiệu lực đối với xe ô tô, mô tô, xe gắn máy đã được quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, vì vậy đại diện các bên đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 103/2008/NĐ-CP theo hướng bỏ nội dung này để thống nhất thực hiện; sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng tách riêng mức xử phạt đối với 2 hành vi: Không có hoặc không mang Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS còn hiệu lực cho phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm…

Cũng tại hội nghị, đại diện Cục CSGT, Cục QLBH và HHBH đã ký kết quy chế phối hợp trong việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm BBTNDS của chủ xe cơ giới./.

Theo Hồng Chi (TBTCO)