Đánh giá hệ thống BHXH hiện tại ở Việt Nam và những đề xuất cải cách

Giải quyết vấn đề nguồn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan, từ đó thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội. Đây là một trong nhiều chủ đề được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo: “Đánh giá hệ thống BHXH hiện tại ở Việt Nam và những đề xuất cải cách” do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ – TB & XH) và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 18/3, tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo bà Trần Thị Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ – TB & XH), ngoài việc thực hiện chế độ BHXH cho người tham gia, nguồn quỹ BHXH còn được phân bổ dưới hình thức cho Ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ, mua công trái giáo dục và cho các ngân hàng thương mại vay. Với tỷ lệ lãi suất bình quân năm là 9,1 %, khả năng sinh lời của nguồn quỹ là chưa nhiều, tăng trưởng quỹ chưa cao, từ đó hạn chế việc điều chỉnh tăng lương hưu, tăng mức thụ hưởng cho người tham gia. Trong năm 2009, số lãi thu được cũng chỉ khoảng 8.400 tỷ đồng. Để tăng nguồn quỹ BHXH, về mặt lâu dài không thể cứ tăng mãi sức đóng mà cần phải tăng khả năng sinh lời quỹ thông qua các hình thức đầu tư có hiệu quả.

Chính những hạn chế trong công tác truyền thông vận động nên số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chưa cao, quỹ chưa được tăng vốn đáng kể. Triển khai Luật BHXH vào thực tiễn còn phải dựa nhiều bộ luật có liên quan nên Luật BHXH chưa đủ mạnh về chế tài để đôn đốc và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm như cố tình dây dưa, khai man, chậm đóng và chiếm dụng BHXH. Bản thân ngành BHXH cũng không thể nắm được cụ thể, cập nhật số đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, từ đó ảnh hưởng đến công tác đốc thu. Luật BHXH quy định chủ sử dụng lao động giữ lại 2 % quỹ tiền lương, tiền đóng BHXH của đơn vị để tạm chi trả cho người lao động khi ốm đau, sai thản rồi quyết toán với tổ chức BHXH, tuy nhiên quy định này là không hiệu quả, thủ tục thanh toán phức tạp, dễ gây thất thoát và cần sớm xoá bỏ.

Cùng với việc cải thiện hình thức tuyên truyền Luật BHXH đến chủ doanh nghiệp, nâng cao đội ngũ thanh tra, cán bộ ngành cả về lượng và chất, nhiều ý kiến còn cho rằng, đối với các doanh nghiệp chiếm dụng BHXH, cần nâng mức xử phạt hành chính lên 20 % tổng số nợ đọng mới đủ sức răn đe, quy định bổ sung vào Bộ Luật Hình sự loại tội danh chiếm dụng tiền BHXH. Theo báo cáo của Bộ LĐ – TB & XH, năm 2009, trên cả nước số thu BHXH đạt gần 40.000 tỷ đồng, tăng 30 % so với năm 2008; tuy nhiên số nợ, chậm đóng BHXH bắt buộc lên đến 2.000 tỷ đồng; tồn quỹ luỹ kế hơn 95.000 tỷ đồng./.

(Theo TTXVN)
www.cpv.org.vn

Comments are closed.