Đăng ký khám BHYT ban đầu: Không được lựa chọn

Ảnh Minh HuyềnNhiều người rất ngại đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bởi sự phiền hà, chờ đợi và phương thức thanh toán chưa thuận lợi… Tuy nhiên, việc đó vẫn chưa thực sự khó bằng việc đăng ký khám BHYT ban đầu.Không được chọn nơi khám bệnh.Chị Lê Thị Hòa (phường Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) đăng ký mua thẻ BHYT tự nguyện ở địa phương, nhưng lại chỉ được lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế phường Thanh Xuân Bắc.

Trong khi đó, trạm y tế phường chỉ có thể khám chữa bệnh thông thường, còn những loại bệnh nặng thường phải chuyển lên BV tuyến trên. Như vậy, mỗi lần đi khám chị Hòa đều phải qua trạm y tế phường chuyển viện (thực chất là chuyển BHYT) lên BV tuyến thành phố như BV Đống Đa hoặc BV Thanh Nhàn. Cũng có chung thắc mắc về việc đăng ký khám BHYT ban đầu, chị Nguyễn Thị Phương Anh (nhân viên một cơ quan nhà nước ở Q. Hai Bà Trưng) cho rằng: “Hàng tháng phòng kế toán đều đặn trừ một khoản lương nhất định để đóng vào Quỹ BHYT, thế nhưng khi ốm chỉ được đến khám ở BV Thanh Nhàn, nơi cơ quan đăng ký khám BHYT chứ không được lựa chọn nơi khám bệnh là BV khác, dù BV đó rất gần nhà. Còn nếu đến khám ở BV gần nhà thì chỉ được thanh toán 30% tiền viện phí theo thẻ BHYT. Như vậy là rất thiệt thòi cho người tham gia BHYT như chúng tôi”.

Lý giải về điều này, ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT- BHXH cho rằng: “Việc quy định những cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để người tham gia đăng ký trên thẻ BHYT là cần thiết. Với thẻ tự nguyện theo quy định phân tuyến nếu đăng ký khám chữa bệnh ở đâu thì phải đến khám ở đó. Nếu vượt quá chuyên môn, kỹ thuật sẽ được chuyển lên tuyến trên. Trong trường hợp trên vì bệnh không cần cấp cứu, thì người bệnh có thể đợi đến đầu quý sau để đổi cơ sở khám chữa bệnh ban đầu sang các BV khác ở Hà Nội. Còn đối với trường hợp BN đi khám trái tuyến hoặc vượt tuyến vẫn được Quỹ BHYT thanh toán nhưng theo các mức quy định: ở BV hạng 3 sẽ được thanh toán 70%, hạng 2 là 50% và hạng 1 là 30%”.

Không “gò” bệnh nhân

“Những người tham gia BHYT sẽ được quyền lựa chọn cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, đề nghị sửa đổi vào đầu mỗi quý, tuy nhiên phải đúng tuyến là một trong ba điểm mới của Luật BHYT đã được áp dụng 2 năm nay”, bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết. Nếu đăng ký tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, huyện hoặc tương đương thì cơ sở đăng ký mới phải tương đương với tuyến của cơ sở trước. Nếu đến khám tại các cơ sở không có khám, chữa bệnh BHYT thì cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí khám chữa trực tiếp cho người có thẻ BHYT nhưng cũng với điều kiện là phải đúng tuyến, đúng đường. Khi đó, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh theo giá viện phí, 20% còn lại người bệnh tự trả đối với những người không thuộc diện ưu đãi. Với các trường hợp vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn và các trường hợp khác không có trong quy định thì sẽ quy định mức thanh toán chi phí.
Ông Phạm Lương Sơn cũng thừa nhận: “Việc đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại tuyến cơ sở triển khai tại Hà Nội là tương đối khó thực hiện. Bởi vì, cơ sở vật chất ở y tế xã phường, quận huyện lại thấp hơn so với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương nên việc đăng ký khám ban đầu của người dân thì các cơ sở y tế đó chưa đáp ứng được. Ở các BV đa khoa cấp quận huyện được phân bổ đến hơn 100.000 thẻ là quá sức của BV đó. Do đó, đã có điều chỉnh theo hướng đơn vị y tế quận huyện nào quá tải thì thẻ BHYT lại được điều chỉnh trả về BV tuyến thành phố. Bà Tống Thị Song Hương cho biết thêm: Nếu tuyến xã, phường không đủ điều kiện thì đăng ký tại tuyến quận huyện. Nếu tuyến quận huyện không đạt thì phân bổ thẻ BHYT KCB ban đầu tại tuyến cao hơn. Như vậy, không nhất thiết gò bó chỉ được đăng ký KCB bệnh ban đầu tại y tế tuyến cơ sở mà có thể tại tuyến tỉnh, thành phố, tùy điều kiện phù hợp của từng địa phương.

Kiều Việt Thành
Báo Đại Đoàn Kết

Comments are closed.