Đảm bảo quyền lợi BHYT cho 39 triệu dân tham gia

Khi Luật BHYT có hiệu lực, người già sẽ được khám, chữa bệnh tốt hơn. Ảnh: TỐ NHƯSau nhiều hội nghị triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cho các địa phương trên cả nước, chiều 15-9, Bộ Y tế đã họp báo công bố những điểm mới của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1-10).Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, khi thực thi Luật BHYT, quyền lợi bảo hiểm của hơn 39 triệu dân đang tham gia hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với trẻ dưới sáu tuổi sẽ được BHYT thanh toán 100%, kể cả việc sử dụng kỹ thuật cao. Những điểm mới là việc tăng mức đóng BHYT; đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu chủ yếu tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã; thực hiện cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo các mức khác nhau, theo các tuyến, hạng bệnh viện…

Để hạn chế tình trạng rút ruột và chống lạm dụng quỹ BHYT tại các cơ sở y tế, theo ông Phạm Minh Sơn, Phó ban Chính sách xã hội Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), hiện nay bảo hiểm đang áp dụng ba giải pháp. Đó là thay đổi phương thức thanh toán theo định suất, dự kiến đến năm 2011 có khoảng 30% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện áp dụng theo phương thức này; ban hành quy trình giám định mới với mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người bệnh và đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng quỹ BHYT; tăng cường nhân lực trong việc giám định y và dược.

Xung quanh quy định buộc người bị tai nạn giao thông phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông mới được BHYT chi trả, bà Hương thừa nhận trong thực tế việc xác định ranh giới có và không phạm luật không hề đơn giản. Theo bà Hương, những trường hợp này cần phải có chứng nhận của bác sĩ và cán bộ giám định. Tiếp theo, cơ quan công an sẽ xác minh trường hợp tai nạn này ai đúng, ai sai và gửi kết quả cho BHYT. Trường hợp nào chưa rõ kết quả, người bệnh phải tự trả, nếu được xác định không vi phạm pháp luật sẽ được trả lại số tiền này. “Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, cơ sở y tế vẫn phải đặt chuyện cứu người lên hàng đầu” – bà Hương nhấn mạnh.

Nhiều báo đặt câu hỏi làm thế nào kiểm soát được vấn đề cùng chi trả BHYT. Bà Hương giải thích đây không phải là vấn đề mới, bởi Việt Nam đã thực hiện từ năm 1998. Việc cùng chi trả nhằm thể hiện sự công bằng giữa các đối tượng tham gia và chia sẻ với quỹ BHYT trước nguy cơ bị thâm hụt.

Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận việc cùng chi trả cho tất cả đối tượng tham gia BHYT chắc chắn sẽ khó khăn. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở phải bố trí hợp lý, khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhập thủ tục hồ sơ ngay từ phòng khám bệnh. Cạnh đó, cán bộ y tế phải được tập huấn và nắm cụ thể các đối tượng nào cùng chi trả BHYT trong đợt này. Bà Hương cho biết dự kiến cuối tháng 9, Bộ Y tế sẽ thành lập 20 tổ công tác đi kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện những quy định mới của BHYT tại các bệnh viện trực thuộc Bộ và các địa phương.
TỐ NHƯ
Nguồn  Pháp Luật TPHCM Online

Comments are closed.