Đà Nẵng: Các doanh nghiệp tăng mức thưởng Tết, cao nhất là 244 triệu đồng/người

Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Đà Nẵng vừa đưa ra phương án thưởng Tết 2011. Theo đó, mức thưởng thấp nhất là 500.000 đồng/người, chênh lệch gần 500 lần so với mức thưởng cao nhất (trên 244 triệu đồng/người).

     Bà Nguyễn Thị Kim Hồng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho hay, tính đến nay, đã có 131 DN trên địa bàn báo cáo nhanh về tình hình tiền lương năm 2010 và kế hoạch thưởng Tết 2011. Trong đó có 30 DN 100% vốn Nhà nước, 22 DN có cổ phần vốn góp Nhà nước, 44 DN dân doanh, 30 DN có vốn đầu tư nước ngoài – FDI.
     Theo đó, về tiền lương năm 2010, trong báo cáo của các DN gửi về Sở có 30 DN 100% vốn Nhà nước có mức lương thấp nhất là 880.000 đồng, cao nhất là 26,65 triệu đồng/người (Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực 5), mức lương bình quân 4,36 triệu đồng.
     Khối DN có cổ phần vốn góp Nhà nước có mức lương thấp nhất là 880.000 đồng, cao nhất là 35,858 triệu đồng (bình quân 3,556 triệu đồng).
     Về khối DN dân doanh, khối này có mức lương thấp nhất là 880.000 đồng, cao nhất là 82,279 triệu đồng (bình quân 3,436 triệu đồng).
     Đối với khối DN vốn FDI trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, DN có mức lương năm 2010 thấp nhất là 1,19 triệu đồng/người, mức lương cao nhất thuộc về Công ty Cổ phần Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn (người có mức lương cao nhất nhận 62,29 triệu đồng/người, bình quân 8,285 triệu đồng/người).
     Đáng nói, tình hình thưởng Tết năm 2011 có nhiều biến động tích cực, các DN tăng mức thưởng bình quân.
     Đặc biệt, theo Phòng Lao động Tiền lương, Sở LĐ- TB&XH TP Đà Nẵng: Cty TNHH VBL chuyên sản xuất và kinh doanh bia (KCN Hòa Khánh, là doanh nghiệp FDI) tiếp tục dẫn đầu thưởng Tết cao nhất với 244,302 triệu đồng/người (tăng gần 100 triệu đồng so với mức thưởng Tết cao nhất của đơn vị này năm 2010 – 148,4 triệu đồng).
     Mức thưởng thấp nhất đã chuyển từ khối DN vốn FDI (71.000 đồng năm 2010) sang khối DN có cổ phần vốn góp Nhà nước và khối DN dân doanh (500.000 đồng năm 2011).
     Cụ thể, khối DN 100% vốn Nhà nước có mức thưởng Tết thấp nhất là 1 triệu đồng/người, bình quân hơn 4,3 triệu đồng và mức cao nhất 30 triệu đồng/người (Công ty Hoa tiêu Khu vực 4 – Cục Hàng hải Việt Nam).
     Khối DN có cổ phần vốn góp Nhà nước, mức thưởng Tết bình quân gần 3,2 triệu đồng/ người, cao nhất là 25 triệu đồng.
     Về khối DN dân doanh, kế hoạch thưởng Tết cao nhất hơn 82,279 triệu đồng, bình quân gần 2,9 triệu đồng. Khối doanh nghiệp FDI, DN có mức thưởng Tết thấp nhất chỉ với 700.000 đồng/người (bình quân 3,6 triệu đồng/người).
     Theo ông Lê Minh Hùng – Trưởng phòng Lao động Tiền lương, do kinh tế phục hồi, các DN trên địa bàn cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh tạo lợi nhuận ổn định nên tình hình thưởng Tết năm nay cao hơn so với các năm trước.
     Ông Hùng cũng cho hay, mức chênh lệch thưởng Tết năm 2011 được kéo xuống gần 500 lần (so với năm 2010 chênh lệch hơn 2.000 lần). Tuy nhiên, nhìn chung khoảng cách này vẫn còn rộng, tạo sự phân hóa cao giữa mức cao nhất và thấp nhất.
     Qua đó cho thấy, còn một bộ phận DN vẫn đang gặp khó khăn. Đáng kể như các DN lĩnh vực dệt may, điện tử… Thực tế năm qua, do đơn giá gia công thấp, thiếu nguồn lao động nên tình hình hoạt động của các DN lĩnh vực này hiệu quả thấp.
     Chị Trần Thị Lệ (35 tuổi, quê Thanh Hóa), công nhân làm việc tại một công ty dệt may trên địa bàn cho biết: Chúng tôi vừa nhận được thông báo thưởng Tết của công ty, mức trung bình cũng chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng/người. Bao năm nay chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào tiền thưởng Tết vì với số tiền này không cải thiện được mấy.
     Còn anh Thi – Giám đốc Công ty chuyên kinh doanh hàng điện tử cho hay, nên chú trọng vào mức thưởng bình quân của các DN vì nó phản ánh thực chất đời sống của người lao động hơn. Với mức chênh lệch thưởng Tết như hiện nay rõ ràng “người ăn không hết mà kẻ lần không ra”.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.