Dự án Luật Bảo hiểm y tế: Nghi ngờ về tính khả thi

du_thao_luat_bhyte.jpgKhá nhiều đại biểu tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của dự án Luật Bảo hiểm Y tế tại Hội nghị khu vực phía Bắc lấy ý kiến về dự án luật này và việc thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật, do UB Về các vấn đề xã hội tổ chức trong 2 ngày 4 và 5.9 tại TP Điện Biên Phủ.

Tăng mức đóng và cùng chi trả
      Đại diện Ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế Tống Thị Song Hương cho biết, dự thảo mới nhất (ngày 1.9.2008) quy định lộ trình đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương, tiền công và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng cho phù hợp của từng đối tượng cho từng giai đoạn. Lý giải mức đóng này, bà Hương dẫn mức đóng của một số nước như Hungary 14%, Czech 13,8%, Hàn Quốc và Thái Lan 4,5%, nước láng giềng Trung Quốc 8% và cho rằng, mức đóng 3% hiện nay của Việt Nam là thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu chi phí thực tế. “Với một thẻ BHYT, bình quân thu 127 ngàn đồng trong khi chi phí là 156 ngàn đồng, dẫn đến âm Quỹ BHYT” – bà Hương nói. Nông dân, theo dự thảo luật, sẽ được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT.  
      Dự thảo xác định cùng chi trả đối với tất cả các đối tượng, ngoại trừ trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng Công an nhân dân, người có công. Theo bà Hương, mục tiêu của cùng chi trả là nhằm làm cho người dân thấy được chi phí y tế là tốn kém, từ đó tăng cường biện pháp tự phòng bệnh, gián tiếp làm giảm chi của Quỹ BHYT, đồng thời, tạo cơ chế giám sát sử dụng dịch vụ, thuốc… chống lạm dụng quỹ. Người tham gia BHYT sẽ phải đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm.

 Có thẻ BHYT nhưng không dùng
      Từ thực tế ở địa phương mình, nhiều đại biểu dự hội thảo tỏ ra lo lắng về tính khả thi của dự án Luật BHYT, nhất là trong bối cảnh dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10 tới. 
      Một trong những quan điểm khi xây dựng dự Luật BHYT là nhằm thực hiện công bằng và nhân đạo trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, dự án luật chưa giải quyết được thực tế chi phí khám chữa bệnh BHYT lâu nay vẫn theo kiểu nước chảy chỗ trũng, chủ yếu được “tiêu” ở thị trấn, thành phố. Hoặc cùng tham gia BHYT, cùng 1 loại bệnh nhưng do khác địa bàn nên người đến khám ở y tế xã, người được đến bệnh viện thành phố, trung ương có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn. Một số đại biểu đồng ý với việc cùng chi trả nhưng lại chưa đồng tình với việc lực lượng Công an nhân dân thuộc đối tượng không phải cùng chi trả trong khi người cận nghèo phải cùng chi trả tới 20%.
      Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Điện Biên Phủ Nguyễn Huy Dự cho rằng: người dân không muốn tham gia BHYT đâu, chỉ những người ốm đau luôn mới tự nguyện tham gia, nếu họ khỏe thì còn lâu. “Bắt nông dân bán đi quả trứng, con gà để mua BHYT khó lắm”, một đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu chia sẻ. Theo các đại biểu, do thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT quá phiền hà nên người dân có thẻ BHYT cũng không sử dụng và quan niệm: ốm đau mang tiền ra mua thuốc còn tốt hơn. Bản thân một đại biểu kể, chục năm nay ông không dùng đến thẻ BHYT. Nguyên do là một lần ông bị đau răng, mang thẻ BHYT đi khám tại cơ sở ban đầu thì được phán: mai đến nhổ. Ông hốt quá, chạy ra phòng khám tư, họ “bảo dưỡng” thế nào mà từ bấy đến nay, răng lợi ông không gặp vấn đề gì cả.
      “Đó là thực tế địa phương nào cũng gặp”, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy nói. Dù dự án Luật BHYT đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII nhưng bà Thủy vẫn nghi ngờ về tính khả thi của dự án luật. Bởi vì theo bà Thủy, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều bức xúc, doanh nghiệp thì BHXH còn không mua cho người lao động, nói gì đến BHYT. Quan điểm của bà Thủy là: nếu chất lượng khám chữa bệnh tốt, người dân sẽ tự nguyện tham gia BHYT. 
      Một khía cạnh khác, theo ý kiến nhiều đại biểu, mức đóng tối đa 6% tiền lương, tiền công là quá cao. Câu hỏi hóc búa của Phó chủ nhiệm UB Về các  vấn đề xã hội Đặng Như Lợi đặt ra với bà Tống Thị Song Hương: “Khi so sánh mức đóng BHYT và kết luận mức đóng của nước ta thấp hơn các nước, Ban soạn thảo có đồng nhất chi phí khám chữa bệnh của nước ta với các nước không”. Phó chủ nhiệm Đặng Như Lợi đã không nhận được một câu trả lời xác đáng. 
      Từ đây, một vấn đề đặt ra: tính khả thi của lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc sẽ ra sao, khi dự thảo luật không có chế tài phù hợp đối với những đối tượng không thực hiện BHYT bắt buộc, khi những tồn tại của chặng đường 15 năm thực hiện BHYT chưa được giải quyết rốt ráo? 
      Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, các vấn đề còn gây tranh luận sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến. Bên cạnh đó, bài toán tài chính là điều phải tính đến theo hướng ngân sách Nhà nước dần tăng cho BHYT, giảm đầu tư trực tiếp cho cơ sở y tế, vì họ sẽ có nguồn thu từ viện phí khi thực hiện tính đúng, tính đủ. Chủ nhiệm cũng lưu ý, dự án Luật BHYT không thể giải quyết được vấn đề chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được giải quyết trong dự án Luật Khám chữa bệnh dự kiến đưa ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 5.
      Dẫu có quan điểm khác nhau về một số vấn đề, nhưng hơn một trăm đại biểu đến từ 15 tỉnh khu vực phía Bắc đều chung tâm nguyện: các ý kiến của họ sẽ được lắng nghe và cân nhắc để có một dự án Luật BHYT chất lượng và khả thi.

Hồng Loan

Theo Người đại biểu nhân dân Online 

Comments are closed.