Cuộc đua giành thị phần của các hãng bảo hiểm nhân thọ

Thứ hạng của các công ty bảo hiểm nhân thọ đang thay đổi nhanh chóng nhờ những chiến lược giữ chân khách hàng và chiếm thị phần phù hợp.

Là một trong số lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt tại Việt Nam, dưới tác động của Covid-19, thứ hạng của nhiều công ty bảo hiểm cũng có sự xáo trộn đáng kể.

Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2020 ước đạt 182.654 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2019, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng.

Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, trong năm 2020, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đạt 11,6 triệu hợp đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019. Về thị phần, năm 2019, lần đầu tiên Manulife đứng đầu thị trường về doanh thu phí khai thác mới, sau nhiều năm xếp sau Bảo Việt Nhân Thọ và Prudential.

Năm 2020, thị phần của các hãng bảo hiểm cũng có nhiều thay đổi. Theo báo cáo ngành bảo hiểm năm 2020, triển vọng 2021 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu, 6 doanh nghiệp tăng thị phần gồm Manulife, AIA, Generali, MB Ageas, FWD và AVIVA. Bốn công ty mất thị phần là Baoviet Life, Prudential, Dai-i-chi Life, Chubb Life, Hanwha Life.

Một trong những lý do giúp thị phần bảo hiểm nhân thọ của Manulife tăng lên khoảng 18,5%, xếp sau Prudential là thương vụ hoàn tất việc mua lại Aviva Việt Nam vào cuối năm ngoái. SSI Research cũng nhận định rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng doanh thu khai thác mới như hiện tại, Manulife có thể chiếm vị trí thứ 2 thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 1-2 quý tới.

Cuối năm 2020, hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam; VietinBank và Manulife cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nhân thọ ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Nhóm nguyên cứu của SSI nhận định, sang năm 2021, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng khoảng 22% so với cùng kỳ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, “miếng bánh” bảo hiểm sẽ tiếp tục được chia lại khi các doanh nghiệp liên tục tung ra các chiến lược mới để giành thị phần và cạnh tranh vị trí số một trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, hình thức phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức và ngân hàng sẽ thống trị tại Việt Nam, tương tự với các thị trường phát triển khác. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang đổ tiền vào tiếp thị và hợp tác độc quyền ngân hàng để bành trướng thị phần nhanh chóng.

Đơn cử, ngoài kênh đại lý truyền thống, Manulife cũng đẩy mạnh kênh bán hàng qua nhà băng, đáng chú ý nhất là thoả thuận Techcombank độc quyền bán bảo hiểm cho hãng từ 2017. MB Ageas Life cũng là cái tên đang trên đường bứt tốc tăng thị phần khai thác mới, phần lớn doanh số của doanh nghiệp này đến từ mảng bancassurance, thông qua việc bán bảo hiểm tại Ngân hàng Quân đội (MB).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng vào khâu chăm sóc khách hàng, cải tiến sản phẩm. Nếu như trước đây, hệ thống đại lý, nhân sự và chăm sóc khách hàng của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có chất lượng phục vụ chưa tốt, dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng phản ứng bằng cách hủy hợp đồng, chuyển sang những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Theo một nghiên cứu của hãng bảo hiểm Prudential, 57% khách hàng sẽ ngừng mua bảo hiểm công ty hiện tại nếu doanh nghiệp khác có cùng sản phẩm, nhưng cho trải nghiệm tốt hơn; 67% khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm dịch vụ tốt…

Do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm để giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần. Một trong những thay đổi quan trọng là việc ứng dụng công nghệ trong các khâu chăm sóc khách hàng, giải quyết bồi thường. Những công nghệ mới liên quan đến dữ liệu lớn (big data), trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số (digital technologies), di động viễn thông (telematics)… đang làm thay đổi bộ mặt thị trường bảo hiểm.

Các ứng dụng như ePOS của Manulife, Genova của Generali, My AIA của AIA… giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho cả khách hàng và tư vấn viên. Các khâu giải quyết bồi thường, phê duyệt hợp đồng, thanh toán phí, kết nối khách hàng… cũng được giải quyết nhanh chóng nhờ công nghệ.

Theo Vnexpress