Cuộc chiến hoa hồng” lại tiếp diễn

“Cuộc chiến hoa hồng đại lý” của khối bảo hiểm phi nhân thọ vốn chẳng xa lạ gì, nay lại có nguy cơ bùng nổ trở lại khi một DN có thị phần không nhỏ trên thị trường quyết định đưa ra chính sách “mới” về hoa hồng bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là tại một số tỉnh phía Nam.

bao hiem, bảo hiểm, tin bao hiem, tin bảo hiểm, tin tuc bao hiem, tin tức bảo hiểm

Bảo hiểm xe cơ giới đang đóng góp 27% doanh thu toàn thị trường

Nói là “mới”, nhưng thực ra không mới, bởi tăng hoa hồng cho người bán theo kiểu phá giá thị trường là chuyện “xưa như trái đất”. Cách DN này “lách luật” để chi thêm cũng là cách mà các DN bảo hiểm phi nhân thọ khác đã từng làm. Việc chi trả hoa hồng đại lý trên chứng từ vẫn tuân thủ quy định tại Thông tư số 155/2007 của Bộ Tài chính, nhưng các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chi trả các quyền lợi tài chính khác nhằm nâng cao doanh thu từ đại lý và môi giới bảo hiểm. Đối với từng chi nhánh, lại có sự thay đổi linh hoạt cho phù hợp với từng khách hàng và từng hợp đồng. Ví dụ, tỷ lệ hoa hồng được phép trích với nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe gắn máy là 20% doanh số, nhưng DN có thể chi đến 50%, thậm chí là 60% doanh số cho người bán. Phần chi thêm, DN sẽ có các tính khác nhau để chi phí đó trở lên hợp lệ, chẳng hạn như chi phí quản lý, các chi phí quảng cáo truyền thông…

Tuy nhiên, điều làm cho các DN bảo hiểm ngạc nhiên là  bảo hiểm xe cơ giới không phải là thế mạnh của DN này. Hơn nữa, DN này cũng không quá khó khăn để phải chen chân vào mảng bảo hiểm thực tế “chỉ có tiếng mà không có miếng”. Thậm chí, nhiều DN bảo hiểm đang khai thác nghiệp vụ này thời gian qua đã liên tục đưa ra những chính sách xiết chặt rủi ro như đưa ra mức miễn thường hay tăng phí bảo hiểm… Trao đổi với ĐTCK, đại diện một DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho rằng, đằng sau câu chuyện đẩy mạnh bảo hiểm xe cơ giới một cách “ngược đời” như vậy, có thể là DN này đang muốn trở thành công ty bảo hiểm có doanh số cao nhất để vươn lên vị trí số 1 về thị phần doanh thu.

Thực tế, đối với DN này, doanh thu từ các hoạt động bảo hiểm trong ngành cũng đã đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ, do đó, khi quyết định đẩy mạnh nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, DN này cũng có thể chấp nhận hy sinh phần lợi nhuận để mở rộng thị phần, thu hút thêm mạng lưới bán hàng và khách hàng. Còn đối với những DN bảo hiểm khác, không có nguồn doanh thu từ trong ngành thì lợi nhuận từ doanh thu bán lẻ là nguồn sống chính, nên họ không thể hy sinh quá nhiều lợi nhuận bằng cách tăng hoa hồng cho đại lý. Hiện tại, doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới chiếm khoảng 27% doanh thu toàn thị trường và có tỉ trọng cao nhất nên họ đẩy mạnh khai thác sản phẩm này là điều tự nhiên.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, việc tăng hoa hồng nhằm mở rộng thị phần cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân “tế nhị” khác. Đó là DN này có một số cán bộ quản lý tự mở garage sân sau. Một số công ty bảo hiểm cổ phần trước đây cũng gặp phải vấn đề tương tự, nhưng nay chuyện này đã tuyệt đối không được chấp nhận. Thực tế, một công ty khá nổi tiếng trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã  từng sa thải một giám đốc khu vực phía Bắc vì vi phạm nguyên tắc này.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một DN bảo hiểm hiện đang có thị phần khá lớn về bảo hiểm xe cơ giới nói rằng, dù lý do là gì đi nữa thì việc giảm phí hay tăng hoa hồng cho bảo hiểm xe cơ giới trong thời điểm này đều không phải là một động thái tích cực bởi phí bảo hiểm hiện quá thấp mà tỷ lệ tổn thất lại quá cao, do hiện tượng trục lợi của khách hàng và garage rất phổ biến.

“Nói một cách thẳng thắn, nếu công ty bảo hiểm nào cũng bồi thường một cách đơn giản và công bằng như một số công ty bảo hiểm nước ngoài đang làm thì với mức phí và hoa hồng như hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm có lẽ phải chấm dứt khai thác sản phẩm này từ lâu rồi”, đại diện DN bảo hiểm trên chia sẻ. 

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

{fcomment}

Comments are closed.