Cùng chi trả có ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh?

Bà Tống Thị Song Hương.Theo quy định của chính sách BHYT mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10, người bệnh sẽ không còn được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) như hiện nay mà phải cùng chi trả một phần khi đi KCB. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với BS Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.

PV: Thưa bà, việc cùng chi trả này được quy định như thế nào trong chính sách BHYT mới này?
Bà Tống Thị Song Hương: Việc áp dụng chính sách cùng chi trả chi phí KCB BHYT sẽ được thực hiện theo 4 yếu tố là các mức khác nhau, theo các tuyến khác nhau, hạng bệnh viện khác nhau và theo nhóm đối tượng khác nhau. Mức độ cùng chi trả tùy theo đối tượng, ví dụ người hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cán bộ hưu trí, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ cùng chi trả 5% chi phí KCB; các đối tượng còn lại sẽ cùng chi trả 20% chi phí KCB. Mức phí KCB bắt đầu thực hiện cùng chi trả là 15% lương tối thiểu. Đáng chú ý, trong một số trường hợp cụ thể vẫn được hưởng BHYT là: KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; không đủ thủ tục; KCB ở nước ngoài; Thanh toán chi phí vận chuyển; Sử dụng thuốc điều trị ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục; KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ…

PV: Vậy theo bà, việc cùng chi trả có tác động đến chất lượng KCB như thế nào?

Bà Tống Thị Song Hương: Tôi cho rằng việc cùng chi trả sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng KCB của người dân. Bởi bất kể người dân có thẻ BHYT hay không có thẻ nếu đã là người bệnh thì khi vào viện, căn cứ vào tình trạng bệnh đều được điều trị theo phác đồ, quy trình phù hợp. Chỉ khác là nếu người bệnh có thẻ BHYT thì Quỹ BHYT sẽ chi trả cho bệnh nhân, còn nếu không có thẻ BHYT thì người bệnh phải tự trả tiền. Chúng ta cũng cần xác định  rằng, việc quy định cùng chi trả để người bệnh gắn trách nhiệm vào việc kiểm soát, còn trách nhiệm của thầy thuốc là phải căn cứ  vào tình trạng bệnh của người bệnh để quyết định xem nên sử dụng những thuốc gì, dịch vụ gì và chi phí như thế nào…

PV: Thế nhưng, vẫn có một số ý kiến từ các cơ sở KCB về những khó khăn trong việc cùng chi trả của chính sách BHYT. Vậy làm thế nào để hạn chế những khó khăn này, thưa bà?
Bà Tống Thị Song Hương:
BHYT là một chính sách an sinh xã hội. Vì vậy để triển khai thành công chính sách này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình của các cấp ủy Đảng và toàn thể nhân dân.

Khi đưa dự án Luật BHYT ra bàn thảo với các bộ ngành, kể cả đưa ra tại Quốc hội, những nhược điểm và ưu điểm của quy định này đều đã được đưa lên bàn cân. Về ưu điểm thì quy định cùng chi trả là một trong những biện pháp để nâng cao trách nhiệm của người có thẻ BHYT trong việc tuân thủ pháp luật về BHYT; kiểm soát chi phí KCB, hạn chế tình trạng lạm dụng BHYT; đồng thời cũng là một sự chia sẻ khó khăn của quỹ BHYT khi mà mức đóng BHYT còn thấp; việc này cũng nhằm bảo đảm công bằng giữa những người tham gia BHYT trong sử dụng dịch vụ y tế. Còn về nhược điểm thì có ý kiến cho rằng cùng chi trả 5% có tương xứng với chi phí bỏ ra để thu phần cùng chi trả này không? Thực tế, việc cùng chi trả phí KCB là xu hướng đã được thực hiện ở nhiều nước. Ở nước ta, trước đây việc cùng chi trả đã được thực hiện đồng loạt, sau đó chỉ thực hiện với BHYT tự nguyện và trường hợp sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn. Hiện nay, việc cùng chi trả sẽ được thực hiện theo 4 yếu tố như tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện một chính sách mới, quy định mới thì các cơ sở KCB cũng phải thay đổi, bố trí thêm nhân lực, tổ chức lại công tác KCB. Theo đó, để triển khai có hiệu quả chính sách cùng chi trả, các cơ sở KCB phải tập trung phổ biến cụ thể cho các cán bộ, nhân viên nắm được quy định mới của chính sách này. Ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí khu khám bệnh khoa học, hợp lý và đủ nhân lực để tổ chức tốt công tác KCB cho người có thẻ BHYT. Tổ chức đón tiếp, nghiên cứu việc thu phần cùng chi trả chi phí KCB BHYT theo đúng quy định và thực hiện cải cách thủ tục hành chính bảo đảm thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; Có các giải pháp chống lạm dụng thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao…

PV: Xin cảm ơn bà!

Thái Bình(thực hiện)

Nguồn sức khỏe đời sống

Comments are closed.