“Cuộc cách mạng” trong ngành bảo hiểm

cuoccachmangbh.jpgHội nhập và những cam kết mở cửa thị trường đã và đang tạo nên những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Một loạt các doanh nghiệp Nhà nước như Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare, Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đã lần lượt cổ phần hóa và bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài là các tập đoàn bảo hiểm quốc tế. Đây được xem như một cuộc cách mạng thực sự trong ngành bảo hiểm nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và giữ vững thị phần của chính các doanh nghiệp trong nước. 

Trong hai ngày liên tiếp (12 và 13/9/2007), hai doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam công bố cổ đông chiến lược nước ngoài. Bảo Việt chọn tập đoàn bảo hiểm HSBC và Bảo Minh chọn tập đoàn bảo hiểm AXA. Riêng Vinare và PVI vẫn đang trong quá trình đàm phán chọn cổ đông chiến lược nước ngoài.

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường bảo hiểm của Việt Nam sẽ thực sự mở cửa hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2008. Kể từ mốc thời gian này, các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc.

Và như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ là cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài “nhiều tiền, lắm kinh nghiệm”.

“Trên thực tế, không phải chờ đến cột mốc 1/1/2008, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã chấp nhận sự cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh, doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài”, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cho biết.

Ngay từ năm 1993, đã có Nghị định 100 cho phép thành lập một số doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, liên doanh, 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Việc mở ca thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng hơn được khẳng định trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (ký ngày 12/10/2001) có lộ trình 5 năm, nghĩa là đến ngày 12/10/2006 chúng ta cam kết xoá bỏ cơ bản những rào cản hạn chế đối với doanh nghiệp bảo hiểm của Mỹ tại Việt Nam, tương đương với cam kết WTO về bảo hiểm.

Như vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có thời hạn chuẩn bị ít nhất là 6 năm vừa qua để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình về phát triển sản phẩm bảo hiểm, phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm năng tài chính về vốn chủ sở hữu, quỹ dự phòng nghiệp vụ, xây dựng chính sách chăm sóc phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Ngoại trừ những doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có những thành công trong nâng cao năng lực cạnh tranh như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO…

Đã từng làm công tác quản lý Nhà nước trong ngành bảo hiểm nhiều năm, với chức danh Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Lê Quang Bình – hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt – chia sẻ: “Hội nhập rồi, 100% nước ngoài vào. Họ có kinh nghiệm, trong khi đó doanh nghiệp trong nước toàn “ăn đong”.

 

“Người ta mạnh, trong khi mình không có chiến lược đi tắt đón đầu, không có hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác chiến lược chỉ hời hợt chắc chắn sẽ thua. Muốn thành công, buộc phải hợp tác nhưng trên nguyên tắc cùng có lợi và cùng chia sẻ. Và chiến lược phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam đến năm 2010 với quyết định cổ phần hóa Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare là một sự mạnh dạn”, ông Lê Quang Bình cho biết thêm.

Sau gần hai năm, kể từ ngày Thủ tướng ra Quyết định 310/2005/QĐ-TTG ngày 28/11/2005 phê duyệt đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, quá trình cổ phần hóa Bảo Việt xem như đã kết thúc với việc bán cổ phần lần đầu và chọn được cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Tổng số cổ phần phát hành thêm của Bảo Việt là 128.726.000 cổ phần và tổng số tiền thu được trên 9.124,8 tỷ đồng trong đó huy động qua IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) là trên 45.701214 cổ phần với giá đấu thành công bình quân thực tế là 71.918 đồng/cổ phần, bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài (tập đoàn bảo hiểm HSBC) 57.302.661 cổ phần, cổ đông chiến lược trong nước (Vinashin) là 20.400.000 cổ phần, đại lý bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp: 170.930 cổ phần và cán bộ nhân viên: 4.621.800 cổ phần theo giá ưu đãi.

Căn cứ vào kết quả phát hành cổ phiếu phần lần đầu, Bộ Tài chính đã xác định lại vốn điều lệ của Bảo Việt là 5.730 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 77,54% vốn điều lệ, trong nước 3,68%, nước ngoài 10%, các cổ đông khác 8,78% vốn điều lệ.

Việc thành công nhất của quá trình cổ phần hóa Bảo Việt là chọn được cổ đông chiến lược duy nhất về bảo hiểm với những cam kết hỗ trợ kỹ thuật tối đa cho Bảo Việt.

Với kinh nghiệm đã thành công tại các thị trường đang phát triển khác, HSBC sẽ hỗ trợ Bảo Việt trong việc thiết kế sản phẩm, phân phối sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực,… HSBC sẽ cử một chuyên gia cùng Bảo Việt trong vòng 3 tháng lên một kế hoạch trợ giúp cho BV trên các dự án kinh doanh của Bảo Việt.

Cùng với Bảo Việt, Bảo Minh cũng đã chọn được đối tác chiến lược là AXA, một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Pháp và châu Âu đã có uy tín và thương hiệu mạnh.

Theo cam kết, AXA sẽ giúp Bảo Minh nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo hiểm về tai nạn con người và chi phí y tế, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm trong đó có trách nhiệm của người sản xuất cung ứng sản phẩm trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với người lao động đang còn rất thiếu trên thị trường Việt Nam.

AXA còn đưa những kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp của AXA và châu Âu để Bảo Minh học tập. AXA còn đưa thương hiệu Bảo Minh tới thị trường Pháp và châu Âu, sẽ giúp Bảo Minh trong việc tái bảo hiểm với các đối tác tại Pháp và châu Âu thuận lợi hơn cũng như nhận tái bảo hiểm từ thị trường này về Bảo Minh.

Như vậy năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu của Bảo Minh sẽ tăng lên rõ rệt mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư cổ phiếu Bảo Minh cũng như khách hàng tham gia bảo hiểm tại Bảo Minh.

TBKTVN

Comments are closed.