Covid giúp bảo hiểm sức khỏe trụ vững

Nửa đầu năm nay, hơn 60% doanh thu của khối phi nhân thọ vẫn đến từ 2 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống như hàng hóa, xây dựng, hàng hải… tiếp tục hụt hơi.

Bảo hiểm sức khỏe trụ vững

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, đa số nghiệp vụ bảo hiểm của khối phi nhân thọ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm mạnh.

Cụ thể, tính đến 30/6/2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7%, trong khi 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 14%.

Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe ) tăng trưởng 8%, duy trì mức tỷ trọng cao thứ 2 trong tổng doanh thu với 30%.

“Cứu cánh” cho nghiệp vụ này chính là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với mức tăng trưởng lên đến gần 70%, trong khi bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm y tế giảm 10% và 3%.

Dịch bệnh khiến người dân quan tâm và ý thức được tầm quan trọng của bảo hiểm hơn so với trước đây, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nhóm bảo hiểm này.

Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục dẫn đầu về tỷ trọng trong tổng doanh thu, ở mức 31%, tăng trưởng 4% (thấp hơn đáng kể so với mức tang trưởng 12% của cùng kỳ 2019).

Nền kinh tế khó khăn, lượng xe mới bán ra sụt giảm mạnh, nên bảo hiểm cơ giới cũng không còn tăng trưởng dễ dàng.

Doanh thu phí của bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện giảm 2%, nhưng doanh thu nghiệp vụ này vẫn được “kéo” lại một phần nhờ bảo hiểm bắt buộc tăng 33% do quy định tổng kiểm tra các phương tiện giao thông (trong đó có bảo hiểm bắt buộc) hồi đầu năm.

Nằm trong nhóm các nghiệp vụ tăng trưởng còn có bảo hiểm tài sản thiệt hại với tỷ trọng 14%, bảo hiểm cháy nổ là 11%, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu là 4%…

Ở chiều ngược lại, doanh thu bảo hiểm hàng hóa vận chuyển giảm 14%, bảo hiểm hàng không giảm 16%, còn bảo hiểm bảo lãnh doanh thu chỉ đạt 3% so với cùng kỳ do những nghiệp vụ này cùng chịu thiệt hại nặng nề trước tác động của đại dịch khi hoạt động vận chuyển xuất nhập khẩu bị sụt giảm đáng kể do các lệnh cách ly và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại Đại hồi đồng cổ đông thường niên 2020 vừa qua, đại diện Bảo hiểm Bảo Minh nhìn nhận, doanh thu bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu biển sẽ còn sụt giảm trong thời gian tới khi khó khăn còn bủa vây, tàu không hoạt động thì doanh nghiệp sẽ đề nghị giảm phí bảo hiểm, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu bảo hiểm hàng hóa…

Để hạn chế khó khăn trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phải thay đổi chiến lược hoạt động và xu hướng sẽ là tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho người dân.

“Trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm bảo hiểm con người luôn cao gấp đôi so với bảo hiểm xe cơ giới. Hơn nữa, với dân số 97 triệu người ở Việt Nam hiện nay, tiềm năng cho bảo hiểm con người là rất lớn”, đại diện PTI nhìn nhận.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh phát triển và bán sản phẩm bảo hiểm người vay vốn qua các công ty tài chính tiêu dùng.

Đây được đánh giá là sản phẩm giúp tạo ra mức tăng trưởng cao của nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người. Tuy nhiên, việc phát triển quá “nóng” sản phẩm này cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải đánh đổi hiệu quả để lấy tăng trưởng.

“Rủi ro lớn nhất hiện nay là thị trường bảo hiểm còn tồn tại hành vi cạnh tranh phi kỹ thuật, nhất là khi các doanh nghiệp bảo hiểm đều dồn sức vào mảng bán lẻ như bảo hiểm sức khỏe con người hay bảo hiểm xe cơ giới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Theo Gia Linh (ĐTCK)