Công trình hàng trăm tỷ không bảo hiểm

mot_goc_cang_dinh_vu.jpgVới vị trí kinh tế quan trọng, từ năm 2003 – 2008, cảng Hải Phòng được đầu tư 13 dự án xây dựng công trình và đầu tư mua sắm thiết bị với tổng mức đầu tư là 848.732.036 triệu đồng. Tuy nhiên từ đây đã phát sinh nhiều sai sót, vi phạm… Tính thiếu khối lượng

Để thực hiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, Tổng Giám đốc cảng Hải Phòng (chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án) đã có quyết định thành lập các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm 07-10 thành viên, quản lý theo từng dự án do một Phó Tổng giám đốc làm Trưởng ban, Phó ban và các Ủy viên thuộc các phòng Tài chính Kế toán, phòng Kỹ thuật Công trình giúp Tổng Giám đốc quản lý dự án.

Trong giai đoạn từ năm 2003 – 2008, cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư 13 dự án đầu tư xây dựng công trình và đầu tư mua sắm thiết bị. Trong đó: 11 dự án đầu tư xây dựng công trình; 02 dự án đầu tư mua sắm thiết bị. Tổng mức đầu tư là 848.732,036 triệu đồng. Trong số 11 dự án thì có 01 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, 10 dự án sử dụng nguồn vốn tự bổ sung của doanh nghiệp với tổng mức đầu tư: 728.108 triệu đồng được phân thành các nhóm như: Dự án nhóm B: 03 dự án với tổng mức đầu tư 702.441 triệu đồng gồm Dự án cảng Đình Vũ giai đoạn II tổng mức đầu tư: 598.721 triệu đồng; Dự án khu chuyển tải Bến Gót – Lạch Huyện tổng mức đầu tư: 66.140 triệu đồng; Dự án đường ô tô vào cảng Đình Vũ tổng mức đầu tư: 37.580 triệu đồng. Dự án nhóm C (cải tạo, sửa chữa) với 08 dự án đầu tư 25.667 triệu đồng gồm Dự án đầu tư cải tạo kho 6: 7.870 triệu đồng; Dự án cải tạo nâng cấp bến 1,2,3 khu cảng chính: 3.711 triệu đồng; Dự án cải tạo nâng cấp Bệnh xá cảng Hải Phòng: 1.155 triệu đồng; Dự án nhà sinh hoạt công nhân bãi 5: 918 triệu đồng; Dự án nhà đội cơ giới cảng Hải Phòng: 2.993 triệu đồng; dự án nhà sinh hoạt công nhân Xí nghiệp Chùa Vẽ: 1.607 triệu đồng; dự án cải tạo nâng cấp bãi Container cảng Chùa Vẽ 1.690 triệu đồng; dự án bãi Container lạnh 2 cảng Chùa Vẽ: 5.723 triệu đồng.

Với tổng số tiền đầu tư lớn với nhiều nhóm dự án, hạng mục công trình, đáng lẽ ra, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư xây dựng, nhưng rất nhiều sai sót đã xảy ra từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và tổng dự toán đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng. Đơn cử như trong việc tính thiếu khối lượng trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công tại dự án đường ô tô vào cảng Đình Vũ, khối lượng nền, mặt đường của các nút giao và cổng cảng, các nhánh rẽ. Riêng hầm kỹ thuật H1, H2 khối lượng thép thống kê thiếu đến 4,95 tấn. Dự án đường ô tô vào cảng Đình Vũ tính toán không đúng theo quy định tại Thông tư số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003 của Bộ Xây dựng dẫn đến chi phí quản lý dự án sai tăng 7.595.000 đồng. Không chỉ dừng lại đấy, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc Luật đấu thầu, một số thành viên của tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu vừa tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, vừa là thành viên Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Một số gói thầu có giảm giá sau khi có quyết định trúng thầu chưa tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ trúng thầu như gói thầu số 5B, dự án cảng Đình Vũ giai đoạn II; gói thầu xây dựng bến số 1, 2; dự án khu chuyển tải Bến Gót – Lạch Huyện.

Tiến độ thi công chậm, công trình không được bảo hiểm

Một trong những dự án thi công chậm tiến độ, làm cho dự án chậm phát huy hiệu quả đầu tư là dự án khu chuyển tải Bến Gót – Lạch Huyện, khởi công ngày 25/8/2006 theo Hợp đồng kinh tế kết thúc ngày 15/12/2006, thực tế nhà thầu mãi đến ngày 22/8/2007 mới bàn giao cho chủ đầu tư, chậm tiến độ đến 250 ngày.

Trong công tác quản lý chất lượng dự án đường vào cảng Đình Vũ, nhà thầu không lập hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; hồ sơ hoàn công không có phiếu yêu cầu nghiệm thu công việc xây dựng; thiếu biên bản nghiệm thu nội bộ công việc xây dựng, bản vẽ hoàn công bộ phận và hạng mục công trình không đầy đủ.

Điều đáng ngạc nhiên là theo quy định của Nhà nước về mua bảo hiểm công trình xây dựng thì tất cả 11 dự án do cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư đều phải mua bảo hiểm. Tuy nhiên toàn bộ 11 dự án đều không được mua bảo hiểm. Nên khi xảy ra rủi ro nhà thầu không được xem xét hưởng bảo hiểm trong quá trình thi công. Đơn cử như tại gói thầu 5B 04 cọc bê tông DƯL D600 đã được thi công xong bị bão, lốc làm gãy gây thiệt hại 180.317.000 đồng nhưng nhà thầu không được hưởng bảo hiểm công trình khi gặp rủi ro.

Việc không mua bảo hiểm công trình là vi phạm khoản 2 điều 75, khoản 2 điều 76 Luật Xây dựng và điểm 2.1 mục 2 phần II Thông tư số 76/2003/TT-BTC ngày 4/8/2003 của Bộ Tài chính theo quy định “đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước đều bắt buộc phải mua bảo hiểm công trình xây dựng”.

Trên đây chỉ là một phần những thiếu sót, sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án, công trình tại cảng Hải Phòng, trong kỳ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện dự án do cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Anh Đào (Sức khỏe đời sống)

 

Comments are closed.