Công khai danh sách DN nợ bảo hiểm xã hội

Ông Đỗ Quang KhánhTheo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, hiện chỉ có 33.000 trong tổng số 137.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố có đóng BHXH cho người lao động.

Ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM trao đổi về nguyên nhân và biện pháp xử lý những doanh nghiệp (DN) nợ BHXH.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng có quá ít DN trên địa bàn TP.HCM đóng BHXH?

Con số 33.000/137.000 DN đóng BHXH đúng là quá ít. Tuy nhiên, cần biết rằng, trong số 137.000 DN, có rất nhiều DN không hề tồn tại trên thực tế. Mặt khác, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là các đơn vị, DN có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng từ 3 tháng trở lên, nhưng rất nhiều DN chỉ sử dụng người trong gia đình, không ký hợp đồng lao động. Theo kết quả điều tra tại 33 phường, xã của 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH TP.HCM, trong số 12.587 DN đang hoạt động, chỉ có 3.311 DN có ký hợp đồng với người lao động.

Một số DN cho rằng, suy giảm kinh tế tác động đến kết quả kinh doanh, nên họ không có đủ chi phí đóng BHXH?

Suy giảm kinh tế có thể khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, kinh phí đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là một bộ phận của giá thành hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động. Vì vậy, DN nào phát biểu như trên là ngụy biện, không có tình với người lao động.

Những DN nào đang nợ BHXH nhiều nhất?

Theo danh sách đăng tải trên website của BHXH TP.HCM, hiện có gần 20 DN đang nợ BHXH với mức trên 1 tỷ đồng, trong đó có DN nợ đến 7 tỷ đồng như Công ty TNHH Giày Anjin. Nhiều DN không đóng BHXH từ cuối năm 2008 như Công ty TNHH Yesum Vina và một số DN hiện đã tuyên bố phá sản.

Hướng xử lý những DN nợ BHXH tại TP.HCM sẽ như thế nào?

DN nợ BHXH phải chịu một khoản tiền lãi phạt chậm đóng. Với DN nợ từ 3 tháng trở lên, cơ quan BHXH chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra lao động để xử phạt vi phạm hành chính theo nhiều mức độ, từ cảnh cáo, phạt tiền đến rút giấy phép hoat động. định kỳ, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và cơ quan BHXH sẽ đánh giá tình hình xử lý vi phạm trong quý, khấu trừ nợ BHXH từ tài khoản của DN nợ 1 tỷ đồng trở lên đã xử phạt hành chính nhưng chưa khắc phục, kiến nghị UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra xác định năng lực DN.

Ngoài ra, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ lên tòa án giải quyết. Chúng tôi cũng đã thống nhất với Liên đoàn Lao động TP.HCM việc hàng tháng chuyển đăng danh sách những DN nợ đọng kéo dài trên các báo, đài.

Theo ông, cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng DN nợ BHXH?

Thứ nhất, cần quy định lại nghĩa vụ đóng BHXH phải dựa trên quỹ tiền lương thực tế của DN, nhằm hạn chế việc DN không ký hợp đồng với người lao động hoặc ký hợp đồng với mức lương thấp rất nhiều so với lương thực tế để trốn tránh đóng BHXH. Thứ hai, cần tăng mức phạt tương xứng với mức độ vi phạm (số tiền nợ, số người bị nợ), thậm chí pháp luật cần quy định trách nhiệm hình sự đối với tội chiếm đoạt tiền BHXH như chiếm đoạt một khoản tiền thuế của dân.

Quang Duy

baodautu.vn

Comments are closed.