Có tránh được rủi ro?

Quản lý rủi ro (QLRR) bằng cách tránh né (risk avoidance) là cách đơn giản nhất: nếu Thái Lan an ninh bất ổn, thì tốt nhất không nên du lịch sang đó; muốn không bị tai nạn giao thông thì đừng bước ra ngoài đường; không muốn phá sản thì đừng kinh doanh…

Tuy nhiên, áp dụng phương cách QLRR này thì có lẽ không ai dám bước ra khỏi nhà, đi du lịch hay bỏ vốn ra kinh doanh cả. Vì vậy trong cuộc sống mọi người trong chúng ta đều phải chấp nhận  thực tế và duy trì rủi ro (risk retention). Ví dụ có người mua một căn nhà vài tỉ đồng nhưng không chịu bỏ tiền mua bảo hiểm vì cho rằng khả năng xảy ra hỏa hoạn là rất thấp.

 

Cũng có khi người ta duy trì rủi ro vì thiếu hiểu biết, thờ ơ, chần chừ hoặc cho rằng chuyện đó không muốn đến với mình. Chẳng hạn như ít ai quan tâm đến rủi ro bị tật nguyền mặc dù nếu điều này xảy ra thì thiệt hại về tài chính sẽ khá lớn. Nhưng cách QLRR thông thường nhất là ai cũng tìm cách giảm mức độ thiệt hại hay tần suất rủi ro (risk reduction). Đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, buộc dây an toàn khi đi ô tô  là cách giảm rủi ro nếu tai nạn xảy ra.

 

Không hút thuốc, bớt uống rượu, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi… là những cách giảm rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.  Báo Thanh Niên mới đây có kể chuyện “khó tin” về những người nông dân ở huyện Điện Bàn – Quảng Nam mỗi năm bỏ ra 150.000 đồng bảo hiểm mỗi con bò cho hợp tác xã (HTX) mà mình là hội viên. Bù lại trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, tư vấn kỹ thuật trồng cỏ, bón phân lẫn tiêm vắc-xin phòng bệnh… cho bò sẽ do cán bộ của HTX đảm trách.

 

Khi phát hiện bò có dấu hiệu bị bệnh, cán bộ HTX sẽ khoanh vùng, hạn chế dịch bệnh lây lan. Nhìn từ góc độ của nhà tư vấn, đây là phương pháp QLRR bằng cách chia sẻ rủi ro (risk sharing). Trong kinh doanh, hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn là điển hình cụ thể về chia sẻ rủi ro vì trong trường hợp mắc nợ hay phá sản, trách nhiệm chỉ giới hạn trong phần vốn của từng cổ đông đóng góp. Có thể QLRR bằng cách chuyển rủi ro (transfering risk) cho một người khác hay một bên thứ ba.

 

Ví dụ trong hợp đồng mua bán có thể quy định việc bồi thường cho người mua trong trường hợp hàng hóa không sử dụng được: rủi ro đã được chuyển từ người mua sang người bán. Một ví dụ khác là hợp đồng bảo hiểm theo đó một cá nhân trả bảo phí để chuyển rủi ro cho hãng bảo hiểm để bồi thường một thiệt hại hay mất mát nào đó. Thật vậy, kỹ thuật QLRR hiệu quả nhất trong thực tiễn cuộc sống và môi trường chính trị, kinh tế, thương mại, xã hội hiện nay chính là bảo hiểm. Nhờ lợi ích của việc tính toán xác suất và phương pháp tập trung nguồn lực để phân bổ và giảm thiểu rủi ro (risk pooling), bảo hiểm giúp xã hội sử dụng tối ưu đồng tiền và từng cá nhân và toàn xã hội không nhất thiết phải để dành một khoản tiền dự trữ quá lớn.

 

Ví dụ, trong một khu vực dân cư nào đó dễ bị dông bão có 2.000 căn nhà, mỗi căn trị giá 1 tỉ đồng và đều đối phó với cùng một xác suất là bị bão tàn phá. Trong một năm nào đó, nếu thống kê cho thấy có hai căn nhà bị bão tàn phá và điều này cho thấy từng căn nhà tương đối an toàn và xác suất rủi ro chỉ là 0,1% (2-2000). Thiệt hại cho hai căn nhà này là hai tỉ và là cả một mất mát cho gia đình của họ. Tuy nhiên, chỉ cần lập một quỹ chung, mỗi gia đình đóng góp 1 triệu đồng để huy động được 2 tỉ (1 triệu x 2.000) thì có thể giúp gia đình người này khắc phục hậu quả. Người dân chỉ bỏ ra 1 triệu đồng bảo phí để mua được sự bình an. Khái niệm về quỹ chung này tương tự việc bảo hiểm nuôi bò như đã trình bày ở trên và nếu nhân rộng ra, nó sẽ giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

 

Nhưng nói gì thì nói, học phải đi đôi với hành, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta không thiếu những tình huống và môi trường để áp dụng những phương pháp QLRR nói trên. Ví dụ bạn có một đứa con trong lứa tuổi học trò thích đàn đúm với bạn bè và chat trên Internet. Để tránh rủi ro, bạn chỉ cần nhốt con của mình trong nhà và không cho đi đâu hết. Tuy nhiên, vì sự phát triển tự nhiên của cháu, bạn cần phải duy trì rủi ro để cháu có cơ hội giao tiếp trong môi trường học tập hay xã hội. Tuy nhiên, bạn cần giảm thiểu rủi ro khi quy định thời gian đi chơi, thời gian sử dụng máy tính, giúp cháu có thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi hay vui chơi. Còn nếu có nhiều tiền, bạn có thể chuyển rủi ro cho thám tử tư để quản lý và theo dõi cháu liên tục cả ngày lẫn đêm hoặc yêu cầu hãng bảo hiểm cung cấp các sản phẩm hay dịch vụ có liên quan và trả cho họ bảo phí.

 

Lê Hữu Huy

Comments are closed.