Có thể vỡ quỹ bảo hiểm xã hội sớm hơn dự báo

alt “Nếu chúng ta quản lý không tốt và cho các tổ chức tín dụng không có năng lực vay thì nguy cơ rủi ro cũng rất có thể xảy ra” – TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.

PV:- Trong phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban về các vấn đề xã hội mới đây, về giám sát quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), ông đã bày tỏ sự lo lắng về hoạt động đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH, vì nguồn quỹ này chủ yếu cho ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ (73,41%), các ngân hàng thương mại Nhà nước vay chỉ chiếm (24,72%).

Trong đó, Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) vay nhưng vẫn còn nợ quá hạn hơn 1 ngàn tỉ đồng (gồm gốc 787,5 tỉ đồng và nợ lãi 264,6 tỉ đồng). Theo ông, việc sử dụng quỹ của Bảo hiểm xã hội như vậy có hợp lý? Ông đánh giá như thế nào về vấn đề minh bạch bởi trong các báo cáo chính thức Bảo hiểm xã hội VN chỉ nói, cho vay với mức lãi suất thấp hay lãi suất thỏa thuận?

PCN. Bùi Sỹ Lợi: – Theo tôi, việc cho vay đầu tư theo cơ cấu như vậy là chưa thật hợp lý. Nhưng với điều kiện như hiện nay để đầu tư có lãi suất cao thì độ rủi ro lại lớn, còn đầu tư với lãi suất thấp nhưng độ an toàn lại tốt hơn.

alt

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội.Chủ trương cho vay đầu tư là theo luật định và có sự chỉ đạo của Hội đồng quản lý quỹ, tuy nhiên tỉ lệ cho ngân sách vay và mua trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 70% là chưa thật hợp lý. Vì lãi suất thấp hơn so với đầu tư cho ngân hàng thương mại và các hình thức đầu tư khác với mức lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, năm 2012 hoạt động đầu tư quỹ là bảo đảm an toàn và có tăng trưởng với lãi suất bình quân cả năm đạt 10,4%, số lãi thu được là: 18.000 tỷ đồng, tăng 21,6% so với kế hoạch được giao, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 6,8%/năm.

Việc đầu tư cho vay quỹ BHXH đều thông qua các hợp đồng cho vay giữa BHXHVN và các cơ quan trong đó các ngân hàng thương mại đều có khế ước bảo lãnh. Điều này cũng thể hiện sự công khai, minh bạch và bảo đảm được độ an toàn của quỹ.

Về số nợ quá hạn của Công ty cho thuê tài chính 2, theo kết quả của kiểm toán nhà nước thì đây là khoản nợ khó đòi. BHXHVN phải có trách nhiệm thúc đẩy việc thu hồi nợ để bảo đảm không mất quỹ.

PV:– Dư luận lo lắng về vấn đề đầu tư, tăng trưởng quỹ hưu trí trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, lương hưu của người lao động được gửi quá nhiều vào các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể, số nợ quá hạn hơn một ngìn tỷ của Công ty cho thuê tài chính 2. Ông có đồng cảm với nỗi lo lắng của người dân hay không? Quan điểm của ông như thế nào?

PCN. Bùi Sỹ Lợi:- Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự lo lắng của người lao động về sự an toàn của quỹ BHXH vì đó là tiền đóng góp của họ để bảo đảm an sinh khi về già và hiện nay hoạt động đầu tư cũng có thể xảy ra rủi ro. Nếu chúng ta quản lý không tốt và cho các tổ chức tín dụng không có năng lực vay thì nguy cơ rủi ro cũng rất có thể xảy ra.

Quan điểm của tôi, nhà nước phải có trách nhiệm quản lý sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch và lựa chọn các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ an toàn nhất và phải có cơ chế bảo lãnh để tránh sự rủi ro do tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán.

Điều đáng quan tâm là Hội đồng quản lý quỹ cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ và BHXHVN nên hình thành một tổ chức độc lập để quản lý và nghiên cứu các hình thức đầu tư có hiệu quả.

PV:- Thưa ông, thông thường, việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội sẽ do những ai quyết định? Cơ chế kiểm tra, giám sát được thực hiện như thế nào?

PCN. Bùi Sỹ Lợi: – Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại Khoản 5, Điều 20 thì việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH là trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm xã hội.

Định kỳ 6 tháng BHXHVN phải báo cáo với Hội đồng quản lý BHXH về tình hình thực hiện và hàng năm báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về quản lý và sử dụng quỹ BHXH.

Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về quản lý sử dụng quỹ BHXH theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật BHXH và định kỳ 3 năm kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ BHXH để báo cáo kết quả với Quốc hội.

Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội được Quốc hội phân công giám sát hàng năm về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp đầu năm.

PV:- Đang có dư luận rằng, sẽ có khả năng bị “vỡ quỹ” BHXH trong tương lai, nếu tiếp tục duy trì tình trạng đầu vào và đầu ra mất cân đối như hiện nay (hiện số người tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân là 0,3 triệu người/năm, nhưng số người nghỉ hưởng chế độ BHXH một lần lớn gấp đôi: 0,6 triệu người/năm). Theo ông, nguy cơ vỡ quỹ được dự báo như thế nào? Hệ quả của nó là gì?

PCN. Bùi Sỹ Lợi: -Theo dự báo của các chuyên gia, quỹ bảo hiểm hưu trí có thể bị mất cân đối vào năm 2029, nhưng với thực trạng như hiện nay thì có thể bị vỡ quỹ sớm hơn dự báo; vì số đối tượng hưởng BHXH một lần năm 2012 là 601.020 người, tăng 26% so với năm 2011 và có xu hướng năm sau đều tăng so với năm trước; kể từ năm 2007 đến nay bình quân hằng năm số người nghỉ BHXH một lần khoảng 0,5 triệu người.

Đây là vấn đề rất đáng quan tâm bởi không phù hợp với bản chất và mục tiêu của BHXH là bảo hiểm dài hạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi về già và như vậy mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là khó khả thi; điều đó, có thể dẫn đến hệ lụy vỡ quỹ.

PV:- Trong tình hình như hiện nay, theo ông, nên làm thế nào để đảm bảo quỹ lương hưu của người dân không bị ảnh hưởng và tránh được nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm? Vai trò của các Ủy ban Quốc hội nói riêng và Quốc hội trong việc này như thế nào?

PCN. Bùi Sỹ Lợi: – Bài toán Quỹ Hưu trí chúng ta đang hướng tới là cân bằng, bảo tồn và đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức đóng BHXH như hiện nay, người lao động đóng 20 năm chỉ đủ trả khoảng 7-8 năm lương hưu; tuổi về hưu thấp (thời kỳ 2007-2011) bình quân trên 53 tuổi (nam 55, nữ 51,5), trung bình người lao động đóng bảo hiển xã hội 29 năm, có nghĩa quỹ lương hưu chi trả khoảng 10 năm; tuổi thọ bình quân hiện tại ở nước ta tăng nhanh năm 2010 là 73 tuổi, như vậy bài toán quỹ lương hưu chỉ đủ trả được 10 năm, thiếu 10 năm đồng nghĩa mất cân đối quỹ 50%; năm 2000 có 34 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu và năm 2011 chỉ còn 9,9 người đóng/1 người hưởng và đang có xu hướng giảm tiếp.

Vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi chúng ta phải thực hiên đồng bộ các giải pháp về: tăng thời gian đóng BHXH (kéo dài tuổi nghỉ hưu); xác định mức đóng – hưởng hợp lý; bảo tồn và phát triển Quỹ; theo đó phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và phải hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Vai trò của Quốc hội, các ủy ban quốc hội, đặc biệt là Ủy ban về các vấn đề xã hội là phải tăng cường công tác giám sát theo luật định và nghiên cứu để sửa đổi Luật BHXH khi Chính phủ trình vào cuối năm 2013.

Nguồn: baodatviet.vn

{fcomment}

 

 

Comments are closed.