Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng, thậm chí là cố tình trây ỳ nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) đang là vấn đề báo động đỏ.Việc DN chiếm dụng tiền BHXH không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của NLĐ, mà còn đẩy NLĐ vào rủi ro không được hưởng những quyền lợi từ bảo hiểm.Thế nhưng, trong khi NLĐ luôn ở thế yếu, khó có thể đấu tranh với vi phạm này, thì những cơ quan quản lý hoặc quá nhẹ tay, hoặc thờ ơ, bất lực.Những năm gần đây, ngành BHXH VN đã đẩy mạnh kiểm tra việc trích nộp BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý có nỗ lực đến mấy, thậm chí nhiều DN đã bị khởi kiện ra toà, song tình trạng trây ỳ, nợ đọng tiền BHXH vẫn là quá nhiều. Con số này đã ở mức báo động với gần 2.000 tỉ đồng nợ đọng BHXH mỗi năm.
Có lợi thì trây ỳ
Theo ông Trương Trọng Thắng – Phó GĐ BHXH TP.Hà Nội – thì năm 2010 Hà Nội đang quản lý 28.000 DN, trong đó số tiền nợ BHXH hiện nay đã lên đến gần 700 tỉ đồng tại 1.200 DNNN, 14 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 18 DN ngoài quốc doanh. Năm 2011, kế hoạch BHXH Hà Nội phải thu 10.338.683 triệu đồng. Thế nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2011, số tiền dư nợ BHXH của các DN trên địa bàn Hà Nội đã lên tới con số 788 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Ban Thu BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2010, số người tham gia BHXH lên tới 9,47 triệu người. Tuy nhiên tính trung bình mỗi năm, số tiền nợ đọng BHXH lên tới gần 2.000 tỉ đồng.
Theo ông Thắng thì nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng BHXH là ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của các chủ DN – người đang trực tiếp sử dụng lao động không nghiêm. Thậm chí các DN này còn cố tình phớt lờ những quy định pháp luật cũng như quyền lợi của NLĐ. Một số đơn vị làm ăn không hiệu quả, thua lỗ không có tiền trả lương và đóng BHXH cho NLĐ.
Trên thực tế, chủ sử dụng lao động phớt lờ các quy định, cố tình trây ỳ nợ đọng tiền BHXH còn có… nguyên nhân khác. Đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng, có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng là các cơ quan quản lý, giám sát đã không thực hiện nghiêm túc các quy định. Cụ thể là với quy định hiện hành, cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền xử phạt các DN, công bố công khai các đơn vị nợ trây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí là các cơ quan quản lý còn có thể phối hợp với các cấp ngành, với NLĐ để khởi kiện các DN và chủ sử dụng lao động ra tòa.
Tuy nhiên, dù được trao quyền để xử phạt, khởi kiện…, song chính các cơ quan quản lý lại chưa sử dụng hết phạm vi quyền hạn để giám sát và xử lý DN. Dẫn chứng cụ thể là trong quý II/2011, dù có số nợ BHXH lớn, song BHXH Hà Nội cũng chỉ có thể khởi kiện 11 đơn vị với tổng số tiền nợ trên 7,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi được cũng chỉ là hơn 3,8 tỉ đồng.
Một nguyên nhân khác là cơ chế xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe. Luật gia Hữu Dung phân tích: Một khi số tiền BHXH chiếm dụng hoặc trục lợi được lớn hơn số tiền bị phạt thì việc DN trây ỳ, nợ đọng tiền BHXH cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, quy định lạc hậu là lãi suất đối với DN chậm đóng BHXH chỉ là 10,5%/năm, trong khi đó lãi suất của ngân hàng cho các đơn vị vay để SXKD khoảng 25-27%.
Hệ lụy ai gánh?
Trong mối quan hệ giữa DN – NLĐ và cơ quan giám sát thì rất dễ để có thể thấy rằng DN đã trục lợi trên lưng NLĐ. Trong khi đó, quyền lợi của NLĐ đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo ông Trương Trọng Thắng, thì nếu chỉ nhìn vào con số hàng ngàn tỉ đồng tiền BHXH bị nợ đọng, điều đó cũng đủ thấy số tiền mà DN chiếm dụng lớn đến mức nào. Trong khi đó, NLĐ lại gánh chịu hệ lụy là thiệt thòi không được tham gia BHXH. NLĐ không chỉ mất quyền lợi tham gia BHXH, mà còn gây thiệt hại lâu dài khi chuyển việc, nghỉ việc…
Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia thì xét ở góc độ kinh tế, điều này đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh và cả sự bất bình đẳng giữa các DN. Cụ thể với một DN trây ỳ, nợ đọng tiền BHXH; khi đó đồng nghĩa với việc DN này đã chiếm dụng một khoản tiền có ý nghĩa đầu tư lâu dài cho con người và cho xã hội. Qua đó họ tạo được lợi thế cạnh tranh về vốn hơn các DN khác đã thực hiện đóng tiền BHXH. Số tiền chiếm dụng càng nhiều, sự bất bình đẳng càng lớn.
Trách nhiệm của những hệ lụy này đầu tiên thuộc về các DN. Nhưng khi các DN chối bỏ trách nhiệm thì “quả bóng” này sẽ được đá sang chân của các cơ quan quản lý.
Đầu tiên có thể nói là trách nhiệm giám sát việc sử dụng lao động. Khi số tiền nợ đọng lên quá cao, các cơ quan này mới bắt đầu kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, số tiền xử phạt luôn thấp hơn số tiền mà các DN chiếm dụng hoặc trục lợi được từ việc nợ tiền BHXH. Cụ thể là theo quy định hiện hành, mức xử phạt tối đa là 30 triệu đồng. Đây được cho là mức cào bằng và không đủ sức răn đe.
Quảng Ninh: 14 doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên 24 tỉ đồng Thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến hết tháng 7.2011, vẫn còn 14 doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH, BHYT và BHTN từ 6 tháng trở lên với số tiền trên 24 tỉ đồng. Một vài DN có số nợ đọng kéo dài trên 20 tháng đến 38 tháng, như: Cty công trình giao thông Quảng Ninh (trên 800 triệu đồng), Cty CP xuất – nhập khẩu và vận tải sông biển (429 triệu đồng), Cty TNHH Hương Phong (539 triệu đồng)… Ngoài ra, một vài doanh nghiệp của Vinashin có số nợ lớn nhất, tuy nhiên những DN này đang tái cơ cấu được khoanh nợ. T.N.D |
Đặng Tiến
Báo Lao Động – Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Comments are closed.