Cổ phiếu bảo hiểm: Chưa lấy lại phong độ

So với các mã CP nhóm ngành tài chính khác, các mã CP ngành bảo hiểm (BH) có tính thanh khoản thấp hơn. Đặc biệt, kết quả kinh doanh cũng không thực sự hiệu quả bởi doanh thu tăng cao nhưng lợi nhuận thường không tương ứng.

Đây là lý do khiến CP BH không hấp dẫn so với các doanh nghiệp (DN) trong nhóm ngành tài chính.

Doanh thu tăng

Năm 2009, ngành BH nhân thọ đạt mức tăng trưởng 15%, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các DN BH nhân thọ đưa ra ngày càng nhiều loại sản phẩm BH vi mô đáp ứng gần hơn nhu cầu của người dân. Đặc biệt, trong năm 2009, các DN BH đã cam kết trả mức bảo tức từ 5-8%, tương đương với mức lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng trong giai đoạn đầu năm ngoái. Như thế, bên cạnh chức năng chính là đảm bảo an toàn, các sản phẩm BH với mức bảo tức này trở nên hấp dẫn hơn so với lãi suất tiết kiệm. Một yếu tố nữa khiến doanh thu BH nhân thọ năm 2009 tăng mạnh là giá trị đóng BH đã tăng lên.

Tương tự, dù vấp phải những khó khăn kinh tế chung, hoạt động BH phi nhân thọ vẫn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nghiệp vụ BH xe cơ giới do được phép điều chỉnh tăng phí từ 10-20% theo Thông tư 126 và do sản lượng tiêu thụ ô tô tăng 7% nên doanh thu năm ngoái tăng trưởng mạnh, chiếm 36% tổng doanh thu phí BH phi nhân thọ toàn ngành. Cũng trong năm 2009, việc tham gia BH tai nạn, BH tài sản của các DN đã được đẩy mạnh sau khi các khó khăn kinh tế của năm 2008 phần nào đã được giải quyết. Doanh thu từ các DN có giá trị tài sản lớn và đóng phí BH nhiều như các cơ sở đóng tàu, kinh doanh vận tải biển, hàng không đã tăng hơn 20% trong năm 2009.

Năm 2010, GDP kế hoạch 6,5%. Thực tế, tốc độ tăng trưởng của thị trường BH Việt Nam thường cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần, do đó ngành BH có thể tăng khoảng 17% trong năm 2010. Chính vì vậy, cả 3 DN BH lớn nhất hiện nay là BHV, BMI, PVI đều đưa kế hoạch tăng trưởng 10%.

Lợi nhuận không đáng kể

Suốt từ năm 2009 đến nay, CP nhóm BH vẫn chưa thể lấy được đà phục hồi của thị trường. DN đầu ngành là BVH lên sàn hồi cuối tháng 6-2010 cũng không tránh khỏi xu hướng đi ngang và giảm giá của nhóm các CP BH khác như BMI, PVI và VNR. Thực tế, hoạt động BH gần như không mang lại khoản lợi nhuận đáng kể nào cho PVI, VNR và BMI trong năm vừa qua do chi phí bồi thường quá cao. Trái lại, hoạt động đầu tư, trong đó chủ yếu vào thị trường CP và trái phiếu của các DN, đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các DN này trong năm 2009.

Sau thời kỳ khó khăn, ngành BH có nhiều yếu tố kinh tế hỗ trợ để nhu cầu tăng trưởng trở lại. Các DN BH đã có những bước chuẩn bị và lên kế hoạch đón đầu cơ hội này. BVH đã thu về 1.800 tỷ đồng từ vụ phát hành CP cho cổ đông chiến lược HSBC (nâng mức nắm giữ của HSBC tại BVH lên 18%). Hoạt động này chứng tỏ tập đoàn này đã có sự chuẩn bị đầy đủ tiềm lực tài chính cho mục tiêu tăng trưởng 13,5% trong năm 2010. Cũng với đích đến là tăng trưởng 16% cho năm nay, PVI đã có kế hoạch chào bán CP cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, đồng thời tăng vốn từ 1.035 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Những thông tin này đã khiến cho mặt bằng giá của BVH và PVI có những sự chuyển biến khá tích cực từ tháng 2 đến nay.

Tuy hoạt động kinh doanh BH còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, nhưng theo đánh giá của CTCK Phố Wall, dựa trên những thuận lợi và khó khăn trước mắt, lĩnh vực kinh doanh này có nhiều khả năng tăng trưởng trong năm 2010. Đặc biệt, giá của nhóm CP BH chưa đi lên cùng với tiềm năng của ngành và mặt bằng giá hiện đang ở vùng khá thấp.(Nguồn: SGGP, 22/11)
Chuyên trang chứng khoán ATPvietnam.com

Comments are closed.