Cơ hội nào cho nhà môi giới gia tăng thị phần?

5.544 tỷ đồng là tổng phí bảo hiểm thu xếp qua kênh môi giới tại Việt Nam năm 2013, tăng không đáng kể so với năm 2012. Tuy nhiên, theo bà Vũ My Lan, Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Marsh Việt Nam (Marsh), nếu khung pháp lý với hoạt động môi giới bảo hiểm thông thoáng hơn, doanh thu qua kênh này có thể gia tăng đáng kể.

Được biết, ngoài đối tác chính lâu nay là DN bảo hiểm phi nhân thọ, các nhà môi giới bảo hiểm cũng đang tiếp cận các DN bảo hiểm nhân thọ để hợp tác triển khai phân phối các sản phẩm bảo hiểm hưu trí, chăm sóc sức khỏe. Bà kỳ vọng ra sao về mối quan hệ hợp tác mới này?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối tượng khách hàng mà các hãng môi giới bảo hiểm hướng tới là các doanh nghiệp, tổ chức với tính chất rủi ro phức hợp, chứ không phải khách hàng cá nhân, trong khi đó, các DN bảo hiểm nhân thọ chủ yếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho các khách hàng cá nhân thông qua kênh phân phối đại lý.

Tuy nhiên, gần đây, các DN bảo hiểm nhân thọ bắt đầu mở rộng sang phân phối sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho khách hàng tổ chức (nhóm), bảo hiểm tử kỳ cho nhóm được tái tục hàng năm. Mới đây nhất là việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhóm, từ đó, dần dần hình thành quan hệ phân phối giữa môi giới bảo hiểm và DN bảo hiểm nhân thọ.

Dẫu vậy, có thể thấy, quan hệ này còn chưa đạt được mức độ chặt chẽ, do bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho nhóm. Phía khách hàng tổ chức cũng chưa mặn mà với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và đặc biệt là bảo hiểm hưu trí tự nguyện, do chính sách thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn. Cụ thể, nhân viên chỉ được miễn thuế thu nhập cá nhân tối đa 12 triệu đồng/năm, khi mua các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến phúc lợi – sức khỏe, hưu trí, nhân thọ tử kỳ.

Việc các doanh nghiệp bảo hiểm đang đẩy mạnh kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancas), bưu điện, tổng đài điện thoại, thương mại điện tử và các tổ chức kinh tế – xã hội khác… có ảnh hưởng nhiều đến khối doanh nghiệp môi giới bảo hiểm?

Tới thời điểm hiện tại, các DN môi giới bảo hiểm còn chưa được phép bán bảo hiểm qua kênh phân phối trung gian như ngân hàng, bưu điện, hiệp hội. Nếu được phép, chắc chắn môi giới bảo hiểm, đặc biệt là các hãng môi giới bảo hiểm nước ngoài có thể góp phần giúp doanh thu từ kênh phân phối này tăng lên đáng kể do đã có kinh nghiệm triển khai thành công mô hình ở nhiều nước trên thế giới.

Vậy, theo bà, khi nào môi giới bảo hiểm tại Việt Nam sẽ là kênh phân phối bảo hiểm chủ đạo, chiếm tới 80 – 90% giống như ở Anh, Mỹ, Canada và Australia; hay tương đưong với các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan (cũng chiếm tới 30%)?

Để môi giới bảo hiểm trở thành kênh phân phối chủ đạo như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực của chính các nhà môi giới, mà cả sự ủng hộ của cơ quan quản lý trong việc nới lỏng khung pháp lý cho hoạt động môi giới bảo hiểm. Có thể nói, môi giới bảo hiểm ở Việt Nam bị hạn chế về phạm vi hoạt động rất nhiều so với các nước trên thế giới. Một trong những lý do là khi Luật Kinh doanh bảo hiểm được xây dựng, hoạt động môi giới bảo hiểm còn chưa được thực sự coi trọng, do đó, quy định về hoạt động môi giới bảo hiểm lúc đó còn sơ sài. Vô hình trung những quy định sau này lại hạn chế phạm vi hoạt động của môi giới.

Bên cạnh đó, sự thiếu lành mạnh của thị trường bảo hiểm cũng là một vấn đề. Tình trạng DN bảo hiểm trả hoa hồng (lại quả) cho người mua bảo hiểm còn rất phổ biến đã khiến cho các DN môi giới bảo hiểm, đặc biệt là môi giới bảo hiểm nước ngoài phải ngậm ngùi đứng ngoài cuộc chơi trong một số phân khúc thị trường.

Có một thực tế là DN môi giới trong nước đang phải cạnh tranh không cân sức với DN có vốn ngoại. Bà có nhận xét gì về điều này?

Năm 2013, theo thống kê của Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dù DN môi giới bảo hiểm trong nước chiếm đa số (6/11 DN môi giới bảo hiểm đang hoạt động), nhưng chỉ chiếm thị phần hoa hồng môi giới 14,5%, tăng chút đỉnh so với năm 2012 (13,8%). Hiệu quả kinh doanh của nhà môi giới nội khá thấp, thậm chí còn sụt giảm so với năm 2012.

Nguyên nhân chính là do các DN môi giới bảo hiểm nội còn hạn chế về quy mô hoạt động, chưa có điều kiện thu hút và phát triển đội ngũ nhân viên có trình độ cao và do vậy uy tín trên thị trường còn chưa cao. Nói chung, các DN môi giới nội mới chỉ đóng vai trò trung gian thu xếp bảo hiểm, chủ yếu là cho các khách hàng là DN và chủ đầu tư dự án của Nhà nước và nhờ vào quan hệ chứ năng lực tư vấn vẫn còn hạn chế.

Các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài trái lại có tiềm lực mạnh về tài chính, có trình dộ quản trị tiên tiến, có nguồn lực toàn cầu về tư vấn bảo hiểm và rủi ro ở trình độ cao, và đặc biệt là có khả năng thu hút nhân sự có trình độ cao, vốn rất hiếm hoi, ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp môi giới ngoại lại không thâm nhập được vào một số phân khúc thị trường vốn là lãnh địa riêng của môi giới nội.

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.