Cổ đông nhà nước thoái vốn, ngân hàng càng gặp khó!(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Thời gian còn lại để hoàn tất kế hoạch tăng vốn đối với các ngân hàng (NH) nhỏ không còn nhiều, trong khi hoạt động này đang trở nên khó khăn trước bối cảnh TTCK ảm đạm. Các NH chịu áp lực lớn khi cung cổ phiếu nhà băng và lượng hàng hóa trên TTCK ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, tại không ít NH, cổ đông lớn là các tập đoàn, DN lớn lại đưa ra quyết định thoái vốn theo chỉ đạo rà soát các khoản đầu tư ở lĩnh vực này của Chính phủ. Áp lực tăng vốn càng đè nặng!

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, NH đang trong quá trình chờ hoàn tất tiến độ nộp tiền của cổ đông trong đợt 1 phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 1.550 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Sau đó, HDBank sẽ thực hiện phát hành thêm 150 triệu cổ phiếu (tương đương 1.500 tỷ đồng tính theo mệnh giá) để tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc.

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch HĐQT OCB, ông Nguyễn Quang Tiên cho hay, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, OCB đang chuẩn bị kế hoạch phát hành 110 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng hiện nay lên 3.100 tỷ đồng trong quý IV này.

Nhìn chung, đến nay, kế hoạch tăng vốn điều lệ đáp ứng lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP hầu hết NH đã trình lên NHNN và được thông qua. Các nhà băng quy mô nhỏ, vốn còn nằm dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng, đang chạy đua cùng thời gian để huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, cũng như NĐT chiến lược như GiaDinhBank, MekongBank, Navibank (vốn điều lệ hiện là 1.000 tỷ đồng). Các NH có cổ đông lớn là các tập đoàn, DNNN, tưởng rằng sẽ sớm hoàn thành việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, hoá ra lại gặp khó khăn hơn. Bởi lẽ, trước chỉ đạo rà soát lại các khoản đầu tư của tập đoàn, DNNN ở lĩnh vực tài chính, chứng khoán, NH của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, DNNN đều phải thoái hoặc bán bớt một phần tỷ lệ vốn đã đầu tư vào các NH.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, NH phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và phải báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện việc góp vốn. Trên cơ sở đó, xác định mức và tỷ lệ vốn cần đầu tư trực tiếp (làm rõ việc có nhất thiết phải tham gia để đạt tỷ lệ đã có) khi NH thương mại thực hiện tăng vốn theo quy định tại Nghị định 141 và báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ từng trường hợp cụ thể. Sau khi trình Chính phủ xem xét và xin ý kiến chỉ đạo, đến nay đã có một số tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước phải đưa ra quyết định thoái vốn ở các NH cổ phần đã đầu tư trước đây.

Mới đây nhất là trường hợp của OceanBank. OceanBank sau khi được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2010, NH này đã xúc tiến kế hoạch tăng vốn. Theo đó, OceanBank sẽ phát hành thêm 300 triệu cổ phần, chia làm hai đợt, mỗi đợt tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng. Cổ đông hiện hữu lớn nhất của OceanBank hiện nay là PVN, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 20%. Đây được xem là thuận lợi đối với OceanBank trong việc thực hiện kế hoạch tăng vốn. Thế nhưng, sau khi trình Chính phủ xin ý kiến về việc "rót" thêm vốn vào OceanBank, ngày 7/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc PVN góp thêm vốn vào OceanBank. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến, PVN rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn, trước hết đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt là các dự án trọng điểm dầu khí. Trên cơ sở đó và yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào NH mà quyết định góp thêm vốn vào OceanBank theo kế hoạch tăng vốn trong năm 2010. Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra PVN thực hiện vấn đề này.

Đây được xem là khó khăn mới đối với OceanBank trong việc huy động thêm vốn để đạt mức 5.000 tỷ đồng. Vì thế, OCeanBank đã đưa ra kế hoạch phát hành 150 triệu cổ phiếu ra công chúng để huy động 1.500 tỷ đồng, với giá phát hành là 10.000 đồng/CP. Thời gian đăng ký mua từ ngày 16 – 29/10. Sau đó, OceanBank sẽ thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu đợt 2 để hoàn thành việc tăng vốn điều lệ.

Trước đó, Navibank, GiaDinhBank cũng phải đối mặt với việc thoái vốn của cổ đông lớn là các tập đoàn kinh tế và TCT nhà nước. Cụ thể, tại Navibank, cổ đông lớn là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 11% đã quyết định thoái vốn sau khi trình Chính phủ xin ý kiến, nhưng không được cho phép rót thêm. Tương tự, Vietcombank quyết định bán bớt 8% vốn tại GiaDinhBank, giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại NH này từ 19% xuống còn 11% và không "rót" thêm vốn trong kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của GiaDinhBank trong năm nay.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN – Chi nhánh TP. HCM cho biết, Navibank là một trong ba NH trên địa bàn TP. HCM có mức vốn điều lệ thấp nhất là 1.000 tỷ đồng. Navibank đã trình hồ sơ xin tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng và được NHNN chấp thuận kế hoạch này. Tuy nhiên, do cổ đông lớn của NH là Tập đoàn Vinatex không "rót" thêm vốn, nên Navibank đang phải tăng tốc trong việc gọi thêm vốn từ các cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược khác để có thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc.

Theo ước tính, lượng vốn mà các NH sẽ thu hút trong năm nay lên đến 51.000 tỷ đồng.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.