Cơ cấu lại bảo hiểm phi nhân thọ

Cổ phần nhà nước vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu vốn của các đơn vị như Bảo ViệtHiện có 50 công ty bảo hiểm, gồm 28 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 11 DN bảo hiểm nhân thọ, 1 DN tái bảo hiểm và 10 DN môi giới bảo hiểm, cùng hơn 120.000 đại lý bảo hiểm, với tổng vốn chủ sở hữu trên 21.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng nhanh các DN bảo hiểm phi nhân thọ đang đặt ra nhiều vấn đề cần cơ cấu lại.

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Sự phát triển nhanh về số lượng các công ty bảo hiểm tập trung vào giai đoạn gần đây. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng.

Hầu hết lãnh đạo chủ chốt và nhân viên bảo hiểm của các đơn vị mới thành lập chưa có đầy đủ kinh nghiệm điều hành một công ty bảo hiểm độc lập. Sự di chuyển nhân sự giữa công ty cũ và công ty mới đã làm “náo động” thị trường.

Bên cạnh đó là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như giảm phí, tăng hoa hồng, khuyến mãi, mở rộng điều khoản… Việc đào tạo bổ sung cho nhân lực mới ít được chú ý, vì sức ép doanh thu đối với các đơn vị mới thành lập. Ít công ty có chiến lược kinh doanh dài hạn, mà chủ yếu tập trung vào ngắn hạn.

Năm 2008, hầu hết các đơn vị bảo hiểm lỗ kinh doanh nghiệp vụ và 5 công ty lỗ toàn diện là hệ quả của tình trạng trên.

Về vấn đề cổ phần hóa trong ngành bảo hiểm. Năm 2004, Chính phủ chủ trương chuyển các công ty bảo hiểm nhà nước như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI… thành CTCP, nhằm tăng thêm vốn và tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các công ty này.

Tuy nhiên, tính đến nay, cổ phần nhà nước vẫn chiếm chủ yếu trong các công ty này, nên bản chất ưu việt của công ty cổ phần không được phát huy. Với đặc tính như trên, việc điều hành các doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước sau khi cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc.

Vấn đề được nêu ra là: Vai trò giữa cổ đông nhà nước và các cổ đông khác như thế nào là hợp lý? Vai trò tự quản của các công ty này có như các công ty cổ phần tư nhân? Lãnh đạo các công ty này là công chức nhà nước hay là doanh nhân thông thường?

Một vấn đề khác của ngành bảo hiểm là xu hướng thành lập các công ty bảo hiểm ngành trong thời gian gần đây. Nhờ lợi thế sân nhà nên các công ty đã có kết quả doanh thu tốt hơn so với thị trường.

Nghị định 100/1993/NĐ/CP ra đời nhằm xóa bỏ độc quyền trong bảo hiểm. Nhờ chủ trương này, với sự cạnh tranh giữa công ty bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh về bảo hiểm hàng không đã tiết kiệm cho Hàng không Việt Nam 2.529.000 USD tiền phí bảo hiểm trong 3 năm, từ 1995 đến 1997.

Thực chất, có kết quả tiết kiệm này là do chúng ta đã chuyển sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm trong nước thành sự cạnh tranh giữa các nhóm tái bảo hiểm nước ngoài. Trong hoạt động bảo hiểm, đối với những dịch vụ có giá trị lớn như hàng không, dầu khí, vệ tinh… thì điều khoản và phí do các nhà tái bảo hiểm bên ngoài quyết định, vì họ nhận trách nhiệm từ 95% đến 99%.

Do vậy, nếu chúng ta tạo sự độc quyền trong nước cũng có nghĩa là tạo sự độc quyền ở nước ngoài.

Làm gì để phát triển lành mạnh?

Trước hết, cần quy định rõ tiêu chuẩn năng lực nhân sự của DN bảo hiểm. Những DN không đủ tiêu chuẩn phải bổ sung hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

Cho gia hạn các công ty chưa đủ vốn pháp định, chưa đủ tiêu chuẩn quy định và tạm đình chỉ hoạt động nếu hết thời gian gia hạn mà vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thực hiện giải thể, phá sản, sáp nhập các DN yếu kém để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cho thị trường. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm phối hợp với một số trung tâm đào tạo bảo hiểm của các công ty bảo hiểm lớn trong nước và nước ngoài thành lập trường đào tạo bảo hiểm cho toàn ngành bảo hiểm.

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm hoặc Hiệp hội Bảo hiểm thành lập trung tâm thống kê để cung cấp số liệu cho thị trường, làm minh bạch hoạt động bảo hiểm. Việc này cần sự trợ giúp của ngân sách và đóng góp của các công ty bảo hiểm trong chi phí xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm.

Ngoài ra, tạm ngừng việc cấp phép thành lập thêm công ty bảo hiểm trong thời gian củng cố này. Bên cạnh đó, đề cao kỷ luật báo cáo kinh doanh và tài chính của các DN bảo hiểm, trên cơ sở đó làm tốt công tác thống kê, kế hoạch, dự báo toàn ngành bảo hiểm.

Củng cố bộ phận thanh tra bảo hiểm, tăng cường thanh tra, xử phạt nhằm đưa hoạt động bảo hiểm vào nề nếp, xóa bỏ hiện tượng cạnh tranh trái pháp luật và các hiện tượng tiêu cực.

Quản lý chặt chẽ công tác đầu tư vốn nhàn rỗi của các DN bảo hiểm để đảm bảo hiệu suất đầu tư và tính thanh khoản.

Nguyễn Nam
www.baodautu.vn

Comments are closed.