Chung quy trình để tránh tuỳ tiện

Không ít trường hợp bồi thường bảo hiểm hợp lệ bị kéo dài một cách vô lý.Giải quyết bồi thường bảo hiểm nhanh chóng là một trong những chiến lược nâng cao uy tín, thương hiệu của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp bị kéo dài một cách vô lý khiến khách hàng bức xúc.

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đang xây dựng quy trình bồi thường bảo hiểm chung cho toàn thị trường, nhằm giải quyết dứt điểm, tránh thủ tục rườm rà.

Ngày 18/11, Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) – Chi nhánh Hà Nội đã thừa nhận trước báo chí về việc chậm trễ giải quyết bồi thường cho xe ôtô mang biển số 30P-5230 của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lan Anh (do anh Nguyễn Đức Thịnh lái) va chạm với xe 30L-6940 tại ngã tư đường Trần Duy Hưng, Hà Nội ngày 10/4/2009. Nguyên nhân là do cán bộ kinh doanh của MIC không kịp thời nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm. Sau khi xác định sự việc, MIC đã kỷ luật vị cán bộ này.

Trước đó, CTCP Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) cũng bị khách hàng lên tiếng về hành vi chậm trễ bồi thường theo kiểu “cò kè” chi phí bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp va chạm xe Mercedes C230 do anh Đặng Văn Mạnh lái trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM.

Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ như AAA, Bảo Minh Sài Gòn, PVI…

Gần đây nhất, một khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội thở phào khi được công ty bảo hiểm phi nhân thọ chấp thuận chi trả bảo hiểm sau hơn 1 năm ròng theo đuổi đòi bồi thường cùng với luật sư của mình.

Mặc dù công tác bồi thường đã xong, nhưng doanh nghiệp không khỏi ngán ngẩm về việc chậm trễ trong bồi thường đối với trường hợp không may của mình. “Công ty bảo hiểm khá chậm trễ trong việc xác định các tổn thất sau trận lụt tại nhà máy sản xuất bánh kẹo cao cấp của chúng tôi xảy ra ngày 31/10/2008 theo Hợp đồng số P041- 311-08/0128 ký giữa hai bên ngày 31/8/2008. Điều này làm ngưng trệ hoạt động sản xuất – kinh doanh của chúng tôi”, đại diện doanh nghiệp bức xúc.

Vị đại diện này cho biết, ngày 1/12/2008, doanh nghiệp cùng đơn vị tư vấn pháp lý gửi công văn đề nghị về việc bán tận thu các loại bao bì và thành phẩm bị hư hỏng mà doanh nghiệp và công ty bảo hiểm đã kiểm kê. Sau đó, doanh nghiệp cùng đơn vị tư vấn pháp lý nhiều lần liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo cấp cao của công ty bảo hiểm đề xuất việc bán tận thu số hàng hóa bị hư hỏng.

Hơn thế, doanh nghiệp còn gửi văn bản nêu rõ phương án xử lý hàng hóa tổn thất và hàng có hiện tượng tổn thất. Tuy nhiên, phía công ty bảo hiểm tỏ ra thờ ơ, mãi không có ý kiến gì về việc này, trong khi nhu cầu giải phóng mặt bằng (từ việc bán tận thu) phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là rất cấp thiết.

Cuối cùng, doanh nghiệp đành phải đề xuất trường hợp nếu công ty bảo hiểm không cử người tham gia bán tận thu thì doanh nghiệp sẽ đưa ra giá bán tận thu để công ty xem xét, sau khi được chấp thuận giá bán đó, doanh nghiệp sẽ chủ động bán tận thu.

Giải thích việc chậm trễ bồi thường, có công ty bảo hiểm đưa ra lý do rằng, công ty phải cẩn thận, chặt chẽ trong các thủ tục nhằm phòng ngừa, giảm thiểu hành vi trục lợi của khách hàng hiện đang khá phổ biến. Nhưng theo một số doanh nghiệp, công ty bảo hiểm nghi doanh nghiệp trục lợi thì công ty bảo hiểm cũng đang trục lợi theo cách riêng của mình.

Cụ thể, công ty có cơ hội hưởng lợi từ nguồn tiền mà lẽ ra phải chi trả cho khách hàng sớm hơn trong trường hợp hợp đồng được ký kết giữa công ty bảo hiểm và khách hàng không đề cập đến các khoản lãi phát sinh nếu chậm chi trả. Đặc biệt là khi thời gian từ khi xảy ra vụ việc cho đến khi công ty bảo hiểm tạm ứng bồi thường cho khách hàng (thường nhỏ hơn tổng mức bồi thường chính thức) hoặc cho đến khi bồi thường chính thức được công ty kéo dài ra.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, việc chậm trễ bồi thường là do tính thận trọng cao trong công tác bồi thường (đối với trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường không đầy đủ, chuẩn xác), tránh trường hợp phí bồi thường ảnh hưởng đến doanh thu phí.

Nhất là khi các đơn vị thành viên, chi nhánh, đại lý bảo hiểm chịu áp lực không nhỏ từ việc khoán doanh thu từ công ty bảo hiểm. Về phía Hiệp hội, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng về hành vi chậm trễ bồi thường đã yêu cầu công ty bảo hiểm giải quyết ngay và báo cáo kết quả cho Hiệp hội.

Ông Lộc cho biết, Hiệp hội đang lấy ý kiến các thành viên về quy trình bồi thường bảo hiểm chung cho toàn thị trường, lấy nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới để áp dụng đầu tiên. Đây là quy trình bảo hiểm do Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm xây dựng nhằm giải quyết dứt điểm, tránh thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho các thành viên. Từ đó, để khách hàng không còn coi các cam kết được công ty bảo hiểm đưa ra theo kiểu “tùy theo từng vụ tai nạn và mức độ nghiêm trọng, thời gian bồi thường đối với vụ tai nạn đơn giản chỉ có thể trong 1 ngày, vụ phức tạp khoảng 15 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ” như một khẩu hiệu suông.

(Theo ĐTCK)

Comments are closed.