Chuẩn Mực Kế Toán Về Hợp Đồng Bảo Hiểm

WBH: Chuẩn mực kế toán số 19 (VAS 19) về Hợp đồng bảo hiểm là một chuẩn mực riêng cho ngành bảo hiểm. Nhiều khái niệm về bảo hiểm cũng như đầu tư trong chuẩn mực hết sức mới mẻ với không chỉ những người tham gia soạn thảo chuẩn mực ở Việt Nam mà ngay cả đối với những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm. Với mục tiêu giới thiệu các nội dung chính của chuẩn mực trên cơ sở tài liệu hướng dẫn chuẩn mực của IASB nhằm giúp những người quan tâm hiểu rõ hơn về chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này, Webbaohiem trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài nghiên cứu của Thạc sỹ Đỗ Quang Cương – Trưởng phòng TCKT Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Ở Việt Nam, kể từ thời điểm ra đời của  doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên – Công ty bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) vào năm 1965 và sự phát triển của thị trường bảo hiểm sau này thì những đặc điểm và yêu cầu quản lý riêng, mang tính chất đặc thù của ngành kinh doanh bảo hiểm luôn đòi hỏi phải có hệ thống kế toán phù hợp. Tuy nhiên, cho đến ngày 31/12/1996, Bộ Tài chính mới có Quyết định số 1296 TC/QĐ/CĐKT ban hành Hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Tiếp đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành bảo hiểm với sự tham gia của các công ty bảo hiểm nước ngoài đã đặt ra những yêu cầu quản lý nhà nước mới. Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua năm 2000 đánh dấu bước chuyển biến lớn của ngành bảo hiểm Việt Nam. Sự thay đổi của cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm cùng với những thay đổi trong các quy định về thuế làm cho Chế độ kế toán ban hành theo Quyết định 1296 không còn phù hợp nữa. Vì vậy, ngày 31/12/2001 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 150/2001/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp bảo hiểm .

alt

Ảnh minh họa.

Từ năm 2001 đến nay, hệ thống chuẩn mực kế toán gồm 26 chuẩn mực xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế đã được ban hành trong đó có Chuẩn mực kế toán số 19 – “Hợp đồng bảo hiểm”.

Chuẩn mực kế toán số 19 (VAS 19) được xây dựng dựa trên Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 4 – Hợp đồng bảo hiểm (IFRS 4). IFRS 4 ra đời vào tháng 3 năm 2004, là kết quả của giai đoạn 1 dự án Chuẩn mực kế toán Hợp đồng bảo hiểm của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) phối hợp với Ủy ban Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB). Đây là một chuẩn mực có tính chất tạm thời nên IFRS 4 chỉ có những thay đổi khá hạn chế các thông lệ kế toán, không có những thay đổi lớn vì e ngại có thể cần phục hồi lại trong giai đoạn 2. IFRS 4 chủ yếu liên quan đến việc phân loại và trình bày. 

Chuẩn mực kế toán Hợp đồng bảo hiểm một chuẩn mực riêng cho ngành bảo hiểm, một lĩnh vực hết sức đặc thù với chu kỳ kinh doanh đảo ngược. Nhiều khái niệm về bảo hiểm cũng như đầu tư trong chuẩn mực hết sức mới mẻ với không chỉ những người tham gia soạn thảo chuẩn mực ở Việt Nam mà ngay cả đối với những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm. Mục đích của bài viết này là giới thiệu các nội dung chính của chuẩn mực trên cơ sở tài liệu hướng dẫn chuẩn mực của IASB với mong muốn giúp những người quan tâm đến áp dụng chuẩn mực hiểu rõ hơn một số nội dung của chuẩn mực. Tác giả cũng cố gắng liên hệ với tình hình thực tế của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong áp dụng một số nội dung của chuẩn mực.

Nội dung cơ bản của VAS 19 cũng như IFRS 4 bao gồm các vấn đề sau:  

1, Định nghĩa hợp đồng bảo hiểm 

Định nghĩa hợp đồng bảo hiểm là nội dung quan trọng hàng đầu của chuẩn mực. Chỉ những hợp đồng thỏa mãn điều kiện là hợp đồng bảo hiểm theo tiêu chuẩn của chuẩn mực mới áp dụng chuẩn mực này. 

Hợp đồng bảo hiểm theo định nghĩa của chuẩn mực phải có sự chuyển giao rủi ro bảo hiểm đáng kể bằng cách đồng ý bồi thường, trả tiền cho người mua bảo hiểm nếu có sự kiện cụ thể không chắc chắn trong tương lai (sự kiện bảo hiểm) xảy ra, ảnh hưởng bất lợi đến người mua bảo hiểm. 

Cơ sở quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm là phải có rủi ro bảo hiểm đáng kể. Rủi ro bảo hiểm là các rủi ro được chuyển giao không phải là rủi ro tài chính. Rủi ro tài chính là rủi ro về thay đổi của các biến số như lãi suất, giá các công cụ tài chính, giá hàng hóa, tỷ giá, chỉ số giá, xếp hạng tín dụng và các biến số phi tài chính không xác định cụ thể cho một đối tượng như các chỉ số thời tiết, thiên tai (chỉ số nhiệt độ của một thành phố cụ thể, chỉ số tổn thất động đất của một khu vực nào đó). 

Rủi ro bảo hiểm phải là các rủi ro được chuyển giao, tức là đã có trước, không phải các rủi ro được tạo ra bởi hợp đồng.

Chuẩn mực không đưa ra hướng dẫn về mặt lượng trong đánh giá sự đáng kể rủi ro bảo hiểm. Khi đánh giá mức độ đáng kể của rủi ro bảo hiểm, hai yếu tố cần phải xem xét là xác suất xảy ra và mức độ hậu quả. Xác suất và mức độ hậu quả được đo lường một cách độc lập để xác định mức độ đáng kể của rủi ro bảo hiểm.

Sự không chắc chắn của sự kiện có thể là kết quả của sự không chắc chắn về sự xảy ra của sự kiện, thời gian xảy ra sự kiện hoặc mức độ hậu quả nếu xảy ra. 

Định nghĩa này phân loại các hợp đồng mà hình thức pháp lý là hợp đồng bảo hiểm thành hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng đầu tư. Các hợp đồng đầu tư với phần không đảm bảo cũng tuân theo chuẩn mực này, tùy thuộc vào giá trị tối thiểu/nhỏ nhất tính theo chuẩn mực “Công cụ tài chính”. Các hợp đồng đầu tư khác được kế toán theo chuẩn mực “Công cụ tài chính” / IAS 39.

Theo định nghĩa của chuẩn mực, hợp đồng bảo hiểm bao gồm hầu hết các hợp đồng bảo hiểm tài sản, tai nạn, chi phí y tế (phi nhân thọ), bảo hiểm nhân thọ có thời hạn, bảo hiểm nhân thọ trọn đời. Các hợp đồng không được coi là hợp đồng bảo hiểm bao gồm các hợp đồng đầu tư có chuyển giao rủi ro bảo hiểm ở mức tối thiểu, chẳng hạn như bảo hiểm liên kết đầu tư (còn gọi là bảo hiểm liên kết đơn vị, liên kết chung), tái bảo hiểm tài chính.

Việc phân loại này sẽ quyết định phương pháp kế toán áp dụng đối với từng loại hợp đồng mà doanh nghiệp bảo hiểm phát hành. Các hợp đồng thỏa mãn định nghĩa hợp đồng bảo hiểm sẽ được kế toán theo chuẩn mực này, tức là như thông lệ hiện tại đang áp dụng. Các hợp đồng đầu tư sẽ áp dụng phương pháp kế toán như đối với công cụ đầu tư mà doanh nghiệp bảo hiểm là người phát hành, cụ thể là các hợp đồng này sẽ được ghi nhận trực tiếp là khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán mà không được ghi nhận là doanh thu, chi phí    

2, Yêu cầu tách riêng yếu tố bảo hiểm và yếu tố đầu tư 

Mặc dù chuẩn mực đã đưa ra định nghĩa về hợp đồng bảo hiểm nhằm phân biệt các hợp đồng bảo hiểm được kế toán theo chuẩn mực này nhưng nhiều sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bao gồm cả yếu tố bảo hiểm và yếu tố đầu tư. Như vậy, yếu tố đầu tư cần phải được tách riêng và được ghi nhận khác với yếu tố bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm có thể đo lường được yếu tố đầu tư một cách riêng rẽ mà không cần xem xét yếu tố bảo hiểm, đồng thời chính sách kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm chưa yêu cầu ghi nhận tất cả các nghĩa vụ và quyền lợi phát sinh từ yếu tố đầu tư. Ở đây, điều kiện tiên quyết để tách riêng là phải đo lường được yếu tố đầu tư riêng rẽ. Hầu hết các sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ và hỗn hợp trong bảo hiểm nhân thọ đều bao gồm yếu tố đầu tư và bảo hiểm nhưng khó có thể đo lường yếu tố đầu tư trong cơ cấu phí nên doanh nghiệp bảo hiểm không thể tách riêng được. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, phần lớn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc loại sản phẩm truyền thống (sinh kỳ, hỗn hợp, niên kim,..), không đo lường được riêng rẽ yếu tố đầu tư. Mặt khác, phương pháp kế toán theo chế độ kế toán cũng như chế độ tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận nghĩa vụ nợ/dự phòng đối với yếu tố đầu tư nên các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam không cần tách riêng yếu tố đầu tư và yếu tố bảo hiểm như yêu cầu của chuẩn mực. 

Việc tách riêng phần đầu tư trong hợp đồng bảo hiểm và trình bày riêng rẽ trên báo cáo giúp cho việc đánh giá rủi ro bảo hiểm thuần túy mà doanh nghiệp bảo hiểm đảm nhận chính xác hơn và phản ánh chính xác hơn bản chất của phần đầu tư.

Với việc tách riêng, phần bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm được kế toán theo phương pháp kế toán nhất quán với hợp đồng bảo hiểm thuần túy khác. Các khoản thu và chi liên quan đến phần đầu tư sẽ không được ghi nhận vào kết quả kinh doanh mà được ghi nhận là các tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán trong khi các khoản thu chi liên quan đến phần bảo hiểm được ghi nhận là các khoản doanh thu, chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh.

Trong tiền phí, phần phí bảo hiểm được ghi nhận là doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh trong khi phần phí để đầu tư được ghi nhận là khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán như việc kế toán đối với tiền gửi nhận từ khách hàng của ngân hàng.

3, Các thông lệ kế toán bị nghiêm cấm 

Liên quan đến chính sách kế toán áp dụng, một số thông lệ kế toán sau bị nghiêm cấm theo quy định:

Một là, ghi nhận các khoản dự phòng nghiệp vụ cho các khiếu nại bảo hiểm tương lai nếu không có vào thời điểm lập báo cáo (dự phòng dao động lớn/đảm bảo cân đối). Có một số lý do khiến chuẩn mực quy định như vậy. Trước hết, các khoản dự phòng này không thỏa mãn tiêu chuẩn là khoản nợ phải trả quy định tại Nguyên tắc nền tảng (Framework) hoặc Chuẩn mực chung vì doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ hiện hành đối với các tổn thất xảy ra sau ngày kết thúc thời hạn của hợp đồng hiện tại. Việc ghi nhận khoản dự phòng như vậy sẽ làm giảm mức độ tin cậy và tính thích hợp của báo cáo tài chính. Trên thực tế, quy định về trích lập và sử dụng dự phòng dao động lớn ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vận dụng để ổn định lợi nhuận hàng năm, do vậy không phản ánh trung thực kết quả kinh doanh hàng năm. Thứ hai, ghi nhận các dự phòng này khiến cho người đọc báo cáo không thể xem xét ảnh hưởng của các tổn thất thảm họa trong quá khứ. Thứ ba, mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định kinh tế của nhiều đối tượng sử dụng báo cáo, không phải để tăng tính an toàn như mục tiêu của cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm khi yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận các dự phòng này. Các cơ quan quản lý, giám sát nên thực hiện mục tiêu tăng cường khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm bằng các quy định khác như yêu cầu về vốn tối thiểu, vốn trên cơ sở rủi ro

Hai là, đối trừ tài sản tái bảo hiểm với các khoản nợ bảo hiểm liên quan, doanh thu hoặc chi phí của hợp đồng tái bảo hiểm với chi phí hoặc doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm liên quan. Một điều dễ dàng nhận thấy là thông thường công ty bảo hiểm không có quyền đối trừ số tiền thu từ công ty nhận tái bảo hiểm với số tiền phải trả cho người mua bảo hiểm vì đây là hai đối tượng khác nhau. Do vậy, việc trình bày riêng rẽ sẽ cho thấy rõ quyền và nghĩa vụ của công ty bảo hiểm, đồng thời giúp người đọc báo cáo thấy được mức độ rủi ro tín dụng của khoản mục tài sản quan trọng của công ty bảo hiểm là các khoản phải thu đối với công ty nhận tái bảo hiểm.  

Chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã quy định rất rõ việc hạch toán và trình bày riêng rẽ các khoản doanh thu, chi phí của hoạt động bảo hiểm gốc, nhận và nhượng tái bảo hiểm nên hoàn toàn tương thích với yêu cầu của chuẩn mực về không đối trừ doanh thu, chi phí của hợp đồng tái bảo hiểm với chi phí, doanh thu của các hợp đồng bảo hiểm có liên quan. Tuy nhiên riêng đối với yêu cầu không đối trừ tài sản tái bảo hiểm với khoản nợ liên quan của chuẩn mực, dường như đang có sự mâu thuẫn với chế độ kế toán và chế độ tài chính trong việc hạch toán, trình bày dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là dự phòng bồi thường. Luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam quy định rất rõ tại Điều 27 về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người mua bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm liên quan đến trường hợp tái bảo hiểm theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua bảo hiểm kể cả trong trường hợp tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không được yêu cầu bên mua bảo hiểm trực tiếp đóng phí bảo hiểm cho mình và bên mua bảo hiểm không được yêu cầu doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Nhưng khi quy định về việc trích lập dự phòng nghiệp vụ, các văn bản pháp luật lại quy định doanh nghiệp bảo hiểm trích lập dự phòng đối với phần trách nhiệm giữ lại (đã trừ đi phần trách nhiệm của doanh nghiệp nhận tái). Do vậy trên báo cáo tài chính, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, trừ Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, chỉ trình bày khoản nợ bảo hiểm (hay dự phòng nghiệp vụ) là số sau khi đối trừ giữa nợ bảo hiểm phải trả bên mua bảo hiểm với khoản phải thu công ty nhận tái (tài sản tái bảo hiểm). Trên báo cáo tài chính của mình, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt trình bày dự phòng bồi thường cho toàn bộ trách nhiệm đối với bên mua bảo hiểm đồng thời trình bày khoản phải thu đối với công ty nhận tái bảo hiểm phần trách nhiệm đã tái bảo hiểm.  

ThS. Đỗ Quang Cương

Bảo hiểm Bảo Việt

Hết Phần 1, mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2.

{flike}

Comments are closed.