Chết vì mũ bảo hiểm dỏm, ai bồi thường?

non-bao-hiem.jpgCho rằng người thân chết vì mũ bảo hiểm dỏm, gia đình “bắt đền” nhưng nhà sản xuất lại cho rằng đó là chuyện của công ty bảo hiểm.

Bà Lê Thị Thanh Hương (tạm trú tại tổ 19, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) có người em chồng đã chết do bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não dù có đội mũ bảo hiểm. Gần hai tháng nay, bà Hương cứ chạy tới chạy lui mà vẫn chưa xác định được cơ quan nào phải bồi thường.

Nhà sản xuất đổ cho bảo hiểm

Trưa 27-12-2007, khi đang trên đường đi mời mọi người dự đám cưới của mình, người em chồng của bà Hương là ông Nguyễn Văn Thoại đã bị một xe du lịch chạy cùng chiều gây tai nạn. Sau đó, chiếc xe du lịch bỏ trốn. Ông Thoại được đưa đi cấp cứu và đã mất cùng ngày. Theo giấy báo tử của Bệnh viện 115, ông Thoại chết do chấn thương sọ não nặng.

Tại thời điểm bị tai nạn giao thông, ông Thoại có đội mũ bảo hiểm do Công ty TNHH sản xuất-thương mại nhựa Chí Thành sản xuất. Khi mua bảo hiểm môtô-xe máy của Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, ông Thoại đã được khuyến mãi chiếc mũ này. Trên mũ bảo hiểm có tem của PJICO với mức bảo hiểm 2,5 tỷ đồng/năm và 50 triệu đồng/vụ tai nạn.

Cho rằng Công ty Chí Thành sản xuất mũ bảo hiểm không đạt chất lượng (bị nứt ở đỉnh đầu) gây nên cái chết của ông Thoại, bà Hương đã yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại cho gia đình theo số tiền ghi trên mũ. Song Công ty Chí Thành đã từ chối bồi thường, viện lẽ họ đã mua bảo hiểm cho chiếc mũ nên chính Công ty PJICO phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, công ty này cũng đồng ý hỗ trợ cho gia đình nạn nhân 10 triệu đồng. Bà Đào Thị Thanh Bình, phụ trách kinh doanh của Công ty Chí Thành, cho rằng: “Khi mua bảo hiểm của PJICO, công ty chúng tôi chỉ có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, còn việc bồi thường phải do PJICO lo”.

Theo luật, nhà sản xuất phải bồi thường

Rắc rối xảy ra khi Công ty PJICO lại cho rằng chính Công ty Chí Thành phải đứng ra bồi thường cho nạn nhân và dựa trên các chứng từ chi trả tiền, PJICO sẽ thanh toán lại cho Công ty Chí Thành. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Chi nhánh PJICO Sài Gòn, về nguyên tắc thì người thụ hưởng (bên mua bảo hiểm) phải bồi thường cho bên thứ ba (nạn nhân) rồi sau đó thanh toán lại với công ty bảo hiểm. Nói cách khác thì bên mua bảo hiểm phải đứng ra bồi thường thiệt hại do lỗi của họ gây ra. Sau đó, công ty bảo biểm sẽ trả lại tiền bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Ở trường hợp của bà Hương, PJICO chỉ đứng ra chi trả tiền bồi thường theo yêu cầu của Công ty Chí Thành chứ không chi trả theo yêu cầu của phía nạn nhân.

Theo Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm. Đồng thời, người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tìm hiểu thêm về phía PJICO, chúng tôi được biết theo hợp đồng mà Công ty Chí Thành và PJICO đã ký kết với nhau, hai bên không hề có thỏa thuận nào khác về trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân.

Như vậy, căn cứ vào điều luật trên và cả hợp đồng cụ thể đã giao kết với PJICO, Công ty Chí Thành phải trực tiếp nhận lãnh trách nhiệm bồi thường cho gia đình ông Thoại. Nếu trì hoãn, thoái thác, Công ty Chí Thành đã làm sai quy định và phía nạn nhân có quyền khởi kiện công ty này ra tòa để đòi bồi thường.

Theo KIM PHỤNG (Pháp luật TPHCM Online)

Comments are closed.