(baodautu.vn) Lợi dụng kẽ hở của chính sách, lao động có thể “bắt tay” với doanh nghiệp, hoặc chủ động nhảy việc, nhưng vẫn có thể được hưởng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, trong những tháng gần đây, đã xảy ra tình trạng quá tải do lượng người đăng ký, làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Theo thống kê của Trung tâm, tính đến ngày 1/9/2011, đã có gần 10.500 lao động của Hà Nội đến đăng ký hưởng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, trong khi cả năm 2010 chỉ có gần 4.200 người đăng ký.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, trong một số ngày cao điểm, Trung tâm phải tiếp nhận 300 – 400 người đến nộp hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có gần 147.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Không chỉ tại Hà Nội, mà ở các thành phố lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng…, cảnh xếp hàng chờ làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp cũng trở nên khá phổ biến.
Theo báo cáo của Phòng Chính sách lao động – việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), tình trạng lao động mất việc làm tăng mạnh một phần lớn là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, lãi suất tín dụng, chi phí đầu vào tăng cao…, nên những ngành thâm dụng lao động như xây dựng, dệt may bị ảnh hưởng nặng, phải thu hẹp sản xuất, tinh giản lao động. Một nguyên nhân khác là, do nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô phải di dời ra ngoại thành theo chủ trương của Thành phố, nên tạm ngừng hoạt động, vì vậy một lượng lớn lao động mất việc làm. Trong số này có các công ty như Dệt 8-3, Dệt may Hà Nội (Hanosimex), Cơ khí Hà Nội…
Báo cáo cũng cho rằng, hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp có thể vẫn tăng, nhưng đến cuối năm, số người thất nghiệp sẽ giảm bớt khi nhiều nhà máy đã hoàn tất việc di dời đến địa điểm mới và bắt đầu tuyển dụng lao động. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng sẽ cần thêm lao động để chuẩn bị cho các đơn hàng Tết. Tuy nhiên, trước tình trạng người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến, cả Cục Việc làm lẫn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đều nhận định, không loại trừ việc lợi dụng kẽ hở của chính sách, nên một số người lao động, thậm chí có thể là cả DN, người lao động và DN “bắt tay” nhau để trục lợi.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động và DN mỗi bên chỉ phải đóng 1% tiền lương/tháng. Nếu đóng đủ thời gian là 12 tháng trở lên, trong trường hợp mất việc làm, người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp với mức 60% lương x 3 tháng, còn DN cũng không phải trả trợ cấp tìm việc (50% lương/tháng x số năm công tác). Rõ ràng, cả người lao động lẫn DN đều được hưởng lợi. Vì vậy, theo bà Phương, không thể loại trừ việc người lao động và chủ DN “bắt tay” để trục lợi từ chính sách. Theo đó, DN ký quyết định nghỉ việc cho người lao động để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng thực tế lao động vẫn tiếp tục làm việc, mà DN không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động chủ động nhảy việc sang công ty khác, nhưng vẫn có thể lấy quyết định nghỉ việc để xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Chính sách lao động – việc làm cũng nêu rõ, quá trình khảo sát thực tế cho thấy, đa phần lao động mất việc tại Hà Nội là thất nghiệp thật sự. Cũng theo báo cáo trên, đa số lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội rơi vào đối tượng lao động phổ thông. Đa phần lao động đều muốn ổn định chỗ làm nên không vì chút lợi mà mạo hiểm nhảy việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
“Số lượng lao động tìm cách trục lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp ít hay nhiều lúc này không quan trọng. Quan trọng hơn là nó đã chỉ ra những kẽ hở của chính sách cần phải sớm được điều chỉnh cho phù hợp sau một thời gian áp dụng vào thực tế”, bà Phương kết luận.
Phan Long
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Comments are closed.