Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Dưới ngóng lên, trên… đang dự thảo!

that_nghiep_resize.jpgTrong khi cơ quan lao động, cơ quan BHXH các địa phương, doanh nghiệp và người lao động đều đang ngóng cổ chờ hướng dẫn thì Bộ LĐ-TB-XH mới triển khai lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư

Trước ngày chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực (1-1-2009), chúng tôi thử khảo sát tình hình tại một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM. “BHTN là gì vậy?”. Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân (CN) Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp-TPHCM), hỏi ngược lại chúng tôi. Còn anh Đào Ngọc Hùng, CN Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân), thật thà: “Chưa nghe thông báo gì về BHTN”. Nhiều CN khi được hỏi cũng có những câu trả lời tương tự.

Chưa dám thông báo cho công nhân

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen, nơi có khoảng 70.000 lao động, khá dè dặt: “Chúng tôi có biết Nghị định 127/CP hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN, nhưng chưa phổ biến cho CN vì còn chờ thông tư hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, hầu hết CN chưa biết”.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch CĐ Công ty VN Samho, cho biết: “CN có biết về BHTN, nhưng chỉ biết rằng họ sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc khi thực hiện BHTN. Trước mắt, chúng tôi mới chỉ tuyên truyền cho CN đây là chính sách nhằm tránh cho người lao động (NLĐ) bị rơi vào tình cảnh khó khăn khi thất nghiệp. Điều này giống cái lưới bảo vệ tránh cho họ không bị rơi xuống đất khi ngã từ trên cao…”. Ông An kiến nghị: Bộ LĐ-TB-XH cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để cơ sở thực hiện.

Không thể nói thay Bộ LĐ-TB-XH

Tại các KCX – KCN TPHCM, tình hình cũng không khá hơn. Trưởng phòng nhân sự một số DN cũng xác nhận, chưa dám thông báo cho CN vì còn chờ thông tư hướng dẫn. Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, bức xúc: “Hiện nay rất nhiều DN hỏi thực hiện chính sách này như thế nào nhưng tôi không biết trả lời ra sao. Bởi lẽ tôi không thể nói thay Bộ LĐ-TB-XH được. Việc ban hành thông tư hướng dẫn quá chậm trễ”.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cơ quan sẽ thu và chi trả chế độ BHTN trên địa bàn TP, cũng băn khoăn: “Đến giờ này chưa có thông tư, vì vậy BHXH VN cũng chưa hướng dẫn cho BHXH các địa phương. Ngay biểu mẫu thu cũng chưa có nên chúng tôi không biết phải thực hiện như thế nào!”.

Trong khi các địa phương, các cơ quan trực tiếp thực hiện đang “ngóng cổ” chờ hướng dẫn thì Bộ LĐ-TB-XH mới triển khai lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 127/CP. Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết cũng chưa nhận được dự thảo để góp ý kiến.

Tạm thu để tránh “dồn cục”

Bà Ngô Lợi Lợi, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Freetrend (KCX Linh Trung, TPHCM), nhìn nhận: “Kinh phí đóng BHTN hằng tháng của công ty (1% tiền lương) khoảng trên 250 triệu đồng, NLĐ cũng phải nộp khoản tiền lương tương đương. Đây là khoản tiền lớn đối với cả DN và NLĐ. Thật khó khi thu tiền của CN mà chưa tuyên truyền gì cho họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tài liệu tuyên truyền và khi có thông tư hướng dẫn thì tổ chức thu ngay”. Ông Cao Văn Sang khuyến cáo các DN nên trích tiền lương của NLĐ và tiền của công ty ngay từ tháng 1-2009 và tạm thời để đó, tránh tình trạng sau này phải truy thu dồn một lúc hai, ba tháng, vừa khó cho NLĐ vừa khó cho DN. Hiện BHXH TPHCM đang chuẩn bị in mẫu sổ BHXH mới, trong đó có phần ghi về thời gian tham gia BHTN.

Bà Nguyễn Hồng Hà, Chủ nhiệm Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) TPHCM, cho biết VCCI đã có kế hoạch đầu tháng 1-2009 sẽ tuyên truyền cho các chủ sử dụng lao động trên tinh thần “có gì làm nấy”, không chờ thông tư.

Cách tính trợ cấp thôi việc, mất việc…

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, tiền lương, tiền công làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc (TCTV), trợ cấp mất việc (TCMV) là tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Ví dụ, đến thời điểm 1-1-2009, NLĐ làm việc cho người sử dụng lao động 10 năm. Đến 30-6-2010, NLĐ mất việc hoặc chấm dứt HĐLĐ thì được trả TCTV, TCMV cho 10 năm làm việc trước thời điểm 1-1-2009. Tiền lương, tiền công để tính TCTV, TCMV là tiền lương, tiền công bình quân của 6 tháng liền kề trước thời điểm 30-6-2010, chứ không phải tiền lương, tiền công 6 tháng liền kề trước thời điểm 1-1-2009.

Những vấn đề cần làm rõ

– Nếu NLĐ hằng tháng vẫn bị DN trừ 1% tiền lương, nhưng DN không tham gia BHTN thì NLĐ có được hưởng BHTN không?

– Khi mất việc, chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, NLĐ đăng ký với cơ quan lao động nào (cấp huyện, cấp tỉnh hay phòng lao động của Ban Quản lý các KCX-KCN).

– Làm rõ khái niệm “phù hợp” khi NLĐ thất nghiệp mà được cơ quan lao động tổ chức học nghề hoặc giới thiệu việc làm.

– Cần làm rõ nội dung quy định tại khoản 3 điều 14 Nghị định 127/CP về trách nhiệm của BHXH VN là “chi trả” trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm hay phải “tổ chức” học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ bị thất nghiệp.

Theo Báo Điện Tử Kinh Tế Nông Thôn

Comments are closed.