Chính sách BHTG: Cần nâng cao hiệu lực vì lợi ích người gửi tiền

bhtg2.jpgTheo kế hoạch, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2008 và thông qua vào kỳ họp đầu năm 2009. Dự thảo luật này đang thu hút sự quan tâm của công chúng, với kỳ vọng sẽ có những thay đổi mang tính đột phá trong chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chú trọng phòng ngừa rủi ro

Dự thảo mới nhất Luật BHTG (phiên bản II) được đưa ra thảo luận tại hội thảo Xây dựng Luật BHTG mới đây khẳng định chức năng giám sát rủi ro của tổ chức BHTG. Giám sát rủi ro được xem là hoạt động bản chất nhất, cốt lõi nhất trong lĩnh vực BHTG, vì nói tới bảo hiểm là luôn gắn với rủi ro, do đó chỉ có trên cơ sở giám sát mới có thể đánh giá, đo lường và kiểm soát rủi ro.

Tuy nhiên, đây không phải là hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mà mang tính nghiệp vụ của một định chế tài chính, nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động NH. Nhờ đó, người gửi tiền không chỉ được bảo vệ một cách trực tiếp khi tổ chức tham gia BHTG bị giải thể hay phá sản (khi đó tổ chức BHTG đứng ra chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền), mà còn được bảo vệ gián tiếp và toàn diện thông qua các nghiệp vụ giám sát của tổ chức BHTG đối với sự an toàn hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi nhằm phòng ngừa rủi ro.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính), việc dự thảo luật bổ sung quy định này là rất cần thiết. Đây là chức năng thường xuyên, liên tục và là điều mà Chính phủ VN và các nước đều mong muốn nhằm hạn chế và phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tổn thất để đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động tài chính ngân hàng.

Vấn đề cần giải quyết hiện nay là phân định rõ chức năng giám sát của tổ chức BHTG với tư cách là một công cụ thị trường, với việc giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi trên thực tế, hiện các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang thực hiện giám sát hoạt động NH và cũng vì mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Làm thế nào để hoạt động giám sát của tổ chức BHTG đảm bảo yêu cầu là “tai mắt” giúp Chính phủ, thêm “hàng rào” cảnh báo rủi ro giúp các tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro phát sinh, nhưng phải tránh chồng chéo là điều nhiều người quan tâm.

Chức năng quyết định các nhiệm vụ của tổ chức BHTG và có thể thấy rằng, một số nhiệm vụ của tổ chức này không thể tránh khỏi sự trùng lặp với các cơ quan khác trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Chẳng hạn, hoạt động tiếp nhận xử lý tổ chức đổ vỡ không chỉ một mình tổ chức BHTG “vào cuộc” mà đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan khác như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính…

Vì vậy, sự trùng lắp là điều dễ hiểu nhưng hoàn toàn không chồng chéo, mỗi cơ quan tùy theo chức năng của mình và tùy vào quy mô, mức độ đổ vỡ của tổ chức tín dụng sẽ có nhiệm vụ tương ứng và cụ thể trong việc giải quyết tổ chức “có vấn đề”.

Mở rộng phạm vi tiền gửi  được bảo hiểm?

Nghị định số 89/CP – ngày 1.9.1999 về bảo hiểm tiền gửi quy định “tiền gửi được bảo hiểm là VND của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi”. Đến Nghị định số 109/CP – ngày 24.8.2005 đã mở rộng phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, theo đó, ngoài cá nhân, tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh cũng được bảo hiểm.

Dự thảo Luật BHTG phiên bản II dự kiến giữ nguyên quy định này tại Nghị định 109, song nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, vì hiện nay nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước cũng có nhu cầu gửi tiền tại các tổ chức tín dụng và quyền lợi của họ cũng cần được bảo vệ. Điều này phù hợp với đòi hỏi thực tiễn là luật pháp cần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời thu hút tiền nhàn rỗi của mọi tầng lớp dân cư gửi vào các tổ chức tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân – Vụ Kinh tế dân sự – Bộ Tư pháp cho rằng, nếu muốn thay đổi về chất hoạt động BHTG thì không nên chỉ dừng lại ở phạm vi tiền gửi được bảo hiểm như dự thảo, nhưng bảo hiểm đến mức độ nào và với số tiền như thế nào là “câu chuyện” cần bàn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Danh Trọng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước, đề xuất nên bảo hiểm đối với loại tiền gửi có kỳ hạn của các DN. Quan điểm của ông Trọng: Tiền gửi có kỳ hạn mang tính chất kinh doanh cần khuyến khích các doanh nghiệp gửi tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo nguồn vốn kinh doanh của tổ chức tín dụng ổn định và tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải nộp phí  bảo hiểm đối với loại tiền gửi này.

Ông Đinh Dũng Sỹ – Phó trưởng ban Xây dựng pháp luật – Văn phòng Chính phủ – cũng đặt vấn đề: Phạm vi tiền gửi được bảo hiểm có nên chỉ dừng lại ở tiền gửi của cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình, công ty hợp danh hay không, khi mà nước ta đã có tổ chức BHTG hoạt động gần 10 năm, có kinh nghiệm thực tế và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quốc tế? Quan điểm của chúng ta vẫn chỉ là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ?

Hầu hết các chuyên gia đều mong muốn tiền gửi của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào gửi tại các tổ chức tín dụng đều phải được bảo hiểm và quyền lợi của họ phải được bảo vệ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định việc bảo hiểm đối với cả tiền gửi là ngoại tệ để có thể bao quát hết các loại tiền gửi, bảo vệ triệt để quyền lợi của người gửi tiền.

Theo Lao Động

 

Comments are closed.