Chí phí tăng cao phân hóa lợi nhuận ngành bảo hiểm

2022 là một năm không quá lạc quan với các doanh nghiệp bảo hiểm, khi doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng không mạnh, trong khi các loại chi phí tăng cao đã kéo lùi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành này.

Chi phí kinh doanh kéo lùi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn

Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ, Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 đạt 42.740 tỷ đồng, tăng gần 7%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 9.923 tỷ đồng, tăng 11%.

Tổng hợp thị trường bảo hiểm

Tuy nhiên, do mức tăng của các loại chi phí đều lớn hơn doanh thu, với tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 40.596 tỷ đồng, tăng 12%, chi phí tài chính tăng 74% lên 1.842 tỷ đồng. Do đó, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.988 tỷ đồng và 1.604 tỷ đồng, giảm lần lượt hơn 17% và 20% so với năm 2021 nhưng vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra.

Doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Bảo Việt qua các năm

Dù vẫn hoàn thành kế hoạch năm, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV, HoSE: BIC) vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm lần lượt 22% và 20% so với năm trước, đạt 393 tỷ đồng và 321 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2022 doanh thu phí bảo hiểm của Bảo hiểm BIDV đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả của năm 2021. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 2.082 tỷ đồng, tăng 39%

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 395 tỷ đồng, tăng 14%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 38 tỷ đồng, tăng tới 58%. Tính đến hết năm 2022, với với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.410 tỷ đồng và 385 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất, Bảo hiểm BIDV đã vượt 6% kế hoạch doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh thu và lợi nhuận theo quý của Bảo hiểm BIDV trong vòng 2 năm trở lại đây

Đối với Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, HoSE: PGI), doanh thu phí bảo hiểm gốc của PJICO đạt 3.772 tỷ đồng, tăng hơn 13%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 81 tỷ đồng, tăng gần 7%, tương đương 5 tỷ đồng.

Nhưng do phải gánh chịu mức tăng mạnh của các loại chi phí, với tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 7%, chi phí hoạt động tài chính đạt 21 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần năm 2021, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11% lên 484 tỷ đồng.

Vì vậy, đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của PGI đạt lần lượt hơn 253 tỷ đồng và gần 204 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, PJICO đã vượt 2,5% kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm gốc và vượt 3 tỷ đồng so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu.

CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC – Agriculture Bank Insurance Joint Stock Corporation, UpCOM: ABI), năm 2022. doanh thu phí bảo hiểm của ABIC đạt 2.044 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 1.323 tỷ đồng, tăng 19%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 132 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tài chính đạt 28 triệu đồng, giảm nhẹ 4 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 2% xuống còn 459 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ABI đạt lần lượt gần 277 tỷ đồng và 222 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do mức tăng lớn của tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2022, ABIC đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng tối thiểu 8% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt trên 310 tỷ đồng. Như vậy, ABIC đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, công ty vẫn còn hụt hơi với mục tiêu lợi nhuận khi mới hoàn thành 89% kế hoạch.

Doanh thu và lợi nhuận của CTCP Bảo hiểm Agribank (ABIC) giai đoạn 2017 – 2022

Về Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG), doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty đạt 5.204 tỷ đồng, tăng hơn 32%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 3.194 tỷ đồng, tăng 48%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 194 tỷ đồng, giảm 23%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 33 tỷ đồng, tăng tới 57%. Tính đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của MIC đạt hơn 200 tỷ đồng và 159 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, Bảo hiểm Quân đội mới chỉ hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng doanh thu (mục tiêu tăng trưởng 40% so với năm 2021).

Doanh thu và lợi nhuận của Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội giai đoạn 2017 – 2022

Doanh thu tăng trưởng mạnh, một số doanh nghiệp lội ngược dòng

Là doanh nghiệp có thị phần nằm trong top đầu ngành bảo hiểm, năm 2022, Tổng CTCP Bảo Minh (HoSE: BMI) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả của năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 311 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 314 tỷ đồng của năm 2021.

Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 4.206 tỷ đồng, tăng 18%. Chi phí hoạt động tài chính tăng 67% lên 127 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Bảo hiểm Bảo Minh đạt lần lượt 343 tỷ đồng và gần 293 tỷ đồng, tăng 12% và 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 340 tỷ đồng, Như vậy, đến hết năm, Bảo Minh mới hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 79% kế hoạch lợi nhuận.

Ghi nhận doanh thu thuộc top đầu ngành bảo hiểm, CTCP Bảo hiểm PVI (HNX: PVI) ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 13.383 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với kết quả của năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt hơn 5.440 tỷ đồng, tăng 39%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 935 tỷ đồng, tăng 9%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 232 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần cùng kỳ. Dù chi phí vẫn tăng mạnh, nhưng nhờ mức tăng trưởng doanh thu cao nên đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của PVI vẫn đạt lần lượt hơn 1.109 tỷ đồng và 877 tỷ đồng, tăng nhẹ 8 tỷ đồng và gần 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, Bảo hiểm PVI đã vượt 26% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 10.622 tỷ đồng) và vượt 79% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (kế hoạch 618 tỷ đồng).

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVI qua các năm

Cùng chiều tăng còn có Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI), năm 2022 doanh thu phí bảo hiểm của công ty đạt 1.588 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả của năm 2021. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 940 tỷ đồng, tăng 17%. Lợi nhuận gộp của Tổng công ty đạt 237 tỷ đồng, giảm 18%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 151 tỷ đồng, tăng 45%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 14 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2021. Tính đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Bảo hiểm Bảo Long đạt lần lượt hơn 110 tỷ đồng và 88 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 5% so với năm trước.

Như vậy, năm 2022, Bảo hiểm Bảo Long mới hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu (mục tiêu 1.700 tỷ đồng) và vượt 39% kế hoạch lợi nhuận (mục tiêu 78,9 tỷ đồng).

Riêng với lĩnh vực tái bảo hiểm, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia VIệt Nam (Vinare, HNX: VNR) ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 đạt 2.316 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với kết quả của năm 2021, tương đương giảm hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận gộp của Tổng công ty vẫn tăng tới 82% so với năm 2021 nhờ tiết giảm được 13% khoản chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (đạt 1.277 tỷ đồng).

Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 347 tỷ đồng, giảm gần 11%. Chi phí hoạt động tài chính đạt 56 tỷ đồng, chỉ bằng 53% chi phí của năm 2021. Nhờ mức giảm của các khoản chi phí, đến hết năm 2022 lợi nhuận trước thuế và sau thuế của VNR vẫn đạt lần lượt gần 463 tỷ đồng và 378 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Vinare đặt mục tiêu tổng doanh thu trên 3.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế ở mức 434,7 tỷ đồng. Như vậy, Tổng công ty mới hoàn thành 77% kế hoạch tổng doanh thu nhưng đã vượt 6,5% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Doanh thu và lợi nhuận theo quý của Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia – VINARE trong vòng 2 năm trở lại đây

Năm 2023 kỳ vọng lãi suất cao cứu cánh lợi nhuận đầu tư của các công ty bảo hiểm

Trong báo cáo hồi đầu tháng 1/2023, SSI Research đánh giá môi trường lãi suất cao có thể làm giảm mức độ hấp dẫn của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Tại thị trường bảo hiểm còn khá non trẻ như Việt Nam, hầu hết các cá nhân vẫn xem bảo hiểm như một kênh đầu tư khác hơn là một phương thức bảo vệ. Đây là lý do tại sao các công ty bảo hiểm tập trung vào việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.

Do đó, đối với năm 2023, SSI Research cho rằng, tăng trưởng doanh thu phí ở mức ổn định, tuy nhiên lợi nhuận thuần hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ không khả quan trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10~12%.

Ngoài ra, trong môi trường lãi suất cao, SSI Research cũng kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.

Theo mekongasean.vn