Chi phí đầu vào giảm chưa đủ để hạ lãi suất cho vay(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Một ngày sau khi thực hiện đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống mức cao nhất không quá 11%/năm theo kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), trên thị trường, một số ngân hàng vẫn nấn ná việc điều chỉnh, với kỳ vọng hút thêm được tiền nhàn rỗi.

Theo các nhà băng, việc cắt giảm chi phí đầu vào là cần thiết, song nhu cầu vốn của khách hàng cuối năm sẽ tăng, trong khi huy động vốn tiền đồng không còn dễ như trước. Vì thế, dù lãi suất đầu vào giảm 0,2%, nhưng khả năng lãi suất cho vay bằng tiền đồng chưa thể giảm mạnh như kỳ vọng đưa ra.

 

Lãi suất huy động đã về mức 11%/năm?

Trong 2 ngày cuối tuần, nhiều ngân hàng đã thực hiện việc cắt giảm lãi suất huy động theo đồng thuận về 11%/năm kể từ ngày 15/10. Tiên phong giảm lãi suất là các ngân hàng quốc doanh và cổ phần quy mô lớn. Các ngân hàng vừa và nhỏ vẫn khá thận trọng, vì lo ngại sự dịch chuyển của dòng tiền gửi cũng như muốn duy trì sức cạnh tranh trong huy động vốn. Trong sáng 6/10, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn duy trì lãi suất huy động cao nhất ở mức 11,2%/năm.

Mặt khác, mức lãi suất huy động 11%/năm được nhiều ngân hàng áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn từ ngắn đến dài và luôn linh hoạt cho khách hàng trong việc gửi tiết kiệm khi muốn rút vốn. Đường cong lãi suất vẫn bị "duỗi" thẳng.

Lãi thực ở một số nhà băng vẫn cao hơn 11%/năm thông qua khuyến mãi, quà tặng. Tại TrustBank, kể từ ngày 20/10-20/11, Ngân hàng triển khai chương trình "TrustBank – Quà tặng trao tay". Khi gửi từ 1 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng trở lên, khách hàng còn được tặng thêm phiếu mua hàng Co.op Mart trị giá 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, không ít ngân hàng còn tặng thêm lãi suất thưởng cho khách hàng gửi tiết kiệm. Đơn cử tại ACB, tặng thêm 0,15% lãi suất khi đáo hạn đối với khách hàng gửi tiền đồng kỳ hạn 36 tháng theo sản phẩm "tiết kiệm thả nổi". Maritime Bank vừa phát hành kỳ phiếu ghi danh ngắn hạn bằng tiền đồng, mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, với lãi suất cao nhất là 11,2%/năm.

Trên thực tế, việc đồng thuận giảm lãi suất của các ngân hàng thành viên và Hiệp hội đã được thực hiện từ 15/10. Còn việc khuyến mãi của ngân hàng không nằm trong đồng thuận giữa các nhà băng. Tổng thư ký VNBA, bà Dương Thu Hương cho biết, với vai trò của Hiệp hội, chỉ có thể kêu gọi các ngân hàng thành viên cắt giảm lãi suất, tiết giảm chi phí đầu vào. Còn đối với việc khuyến mãi, phải có sự chấp thuận của các cơ quan ban ngành khác, VNBA không thể yêu cầu cắt giảm. Tuy nhiên, VNBA sẽ tiếp tục theo dõi động thái của thị trường trong những ngày tới, từ đó đưa ra kêu gọi giảm lãi suất theo đồng thuận đối với những ngân hàng chưa thực hiện.

 

…chưa đủ để giảm lãi suất cho vay

Các ngân hàng cho biết, với 0,2% giảm lãi suất, chi phí đầu vào được cắt giảm song chưa giải quyết được bài toán cân đối chi phí đầu vào – đầu ra để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay thời gian tới. Mặt khác, cầu vốn trên thị trường được dự báo sẽ tăng trong dịp cuối năm nên việc tăng cường nguồn cung đáp ứng cho khách hàng là cần thiết.

Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay không thay đổi nhiều so với hiện nay, dù chi phí đầu vào có giảm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank cũng đưa ra nhận định, lãi suất cho vay khó giảm xuống như kỳ vọng. Một phần, do sau khi thực hiện các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, nguồn vốn huy động được cấp tín dụng hạn chế hơn so với trước. Đồng thời, chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp thường rơi vào cuối năm nên ngân hàng muốn tranh thủ cơ hội để gia tăng thị phần tín dụng. Do đó, lãi suất tiền gửi tuy có giảm so với trước, nhưng không đủ để cắt giảm mạnh lãi suất đầu ra.

Theo ông Tùng, nếu lạm phát được kiểm soát tốt thì khả năng diễn biến lãi suất cho vay đầu năm tới sẽ chuyển hướng giảm. Hiện các doanh nghiệp cũng tính toán kỹ hơn trong sản xuất, kinh doanh và nhất là với việc sử dụng vốn vay ngân hàng. Nếu khả năng sinh lời không được như kỳ vọng sẽ tạm thu hẹp sản xuất. Khi nhu cầu vốn khách hàng không cao như dự đoán và vốn khả dụng của nhà băng dồi dào, lãi suất cho vay sẽ cạnh tranh dần để thu hút khách hàng vay vốn.

Song để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng lúc này không dễ đối với doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Tổng giám đốc Công ty L-V, chuyên xuất khẩu, tại TP. HCM cho biết, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu và có mối quan hệ lâu năm với một ngân hàng cổ phần. Thế nhưng, để vay được vốn ngân hàng trong lúc này cũng có nhiều rào cản, đó là chưa nói đến việc tiếp cận vốn giá rẻ. Ông Lâm cho biết, hiện ông đang sử dụng vốn vay ngân hàng với lãi suất 15%/năm, nhưng vẫn phải cam kết bán lại ngoại tệ cho nhà băng nơi ông vay vốn.

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân 13 – 15%/năm hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một cán bộ ngành ngân hàng, muốn giảm được lãi suất đầu ra, đòi hỏi trước tiên là phải giảm được chi phí đầu vào. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên trong 2 tháng qua và biến động mạnh của thị trường vàng hiện nay đang gây ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền, buộc các nhà băng phải nhanh chóng tung ra khuyến mãi sau khi giảm 0,2%/năm lãi suất huy động.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.