Chênh lệch trong thụ hưởng bảo hiểm y tế

(TBKTSG) – Hộ nghèo có thẻ bảo hiểm y tế ít hơn so với hộ khá giả, và thụ hưởng mức chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế cũng ít hơn. Tình hình chênh lệch này cho thấy việc cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế hiện hành là một yêu cầu xã hội hết sức khẩn thiết.

Như chúng ta đã thấy trong bài trước (1), tỷ lệ người bị bệnh trong nhóm hộ gia đình nghèo cũng tương đương như nhóm hộ khá giả, nhưng họ lại phải gánh chịu chi phí với tỷ trọng nặng hơn trong ngân sách gia đình.

Kết quả cuộc điều tra của chúng tôi về phúc lợi xã hội ở dân cư TPHCM vào tháng 9-2008 cho thấy các tầng lớp lao động nghèo còn phải chịu thêm nhiều thiệt thòi trong chính sách bảo hiểm y tế, do phần lớn chưa được bao phủ bởi chế độ phúc lợi này.

Diện được bao phủ bởi chế độ bảo hiểm y tế

Trong tổng số 4.471 nhân khẩu trong mẫu điều tra (1.000 hộ) vào thời điểm tháng 9-2008 (2), có 54% có thẻ bảo hiểm y tế, còn lại 46% không có thẻ bảo hiểm y tế.

Trong số những người có thẻ bảo hiểm y tế, 35% thuộc diện bắt buộc, 12% thuộc diện tự nguyện (phần lớn là học sinh, sinh viên), và 7% thẻ bảo hiểm y tế diện khác (diện gia đình nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi…).

Dân cư ở nội thành có 54% có thẻ, ở vùng ven 52%, và ở ngoại thành 57%. Phân tổ theo tuổi tác, tỷ lệ có thẻ bảo hiểm y tế nơi lứa 0-5 tuổi là 77%, lứa 6-10 tuổi 82%, lứa 11-17 tuổi 80%, nhưng trong lứa tuổi lao động từ 18 tới 60 tuổi thì thấp hơn, chỉ khoảng trên dưới 40-50%, còn ở lứa tuổi trên 60 là 53%.

Trong khi hầu hết những người lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước đều có thẻ bảo hiểm y tế (91%), thì tỷ lệ được bao phủ bởi chính sách bảo hiểm y tế chỉ chiếm 50% lao động ở khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn…) và chỉ có 18% ở khu vực kinh tế cá thể (buôn gánh bán bưng, lao động tự do…).

Phần lớn lao động thuộc khu vực không chính thức (hay còn gọi là phi chính quy) đều không có thẻ bảo hiểm y tế, như lao động tiểu thủ công nghiệp và lao động tự do (84% không có thẻ), buôn bán nhỏ (79%), nông dân (71%), hay kể cả nội trợ (74%) và thất nghiệp (80%).

Trong khi đó, ai cũng biết rằng đại đa số những người làm việc trong khu vực không chính thức thường có mức thu nhập thấp hơn và bấp bênh hơn so với những ngành nghề thuộc khu vực chính thức (như cơ quan và doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có trên 10 lao động, công ty liên doanh…).

Phân tổ theo diện bảo hiểm y tế, điều đáng chú ý là tỷ lệ phải đi điều trị nơi những người có thẻ bảo hiểm y tế diện tự nguyện (30%) và diện khác (33%) đông hơn gấp đôi so với những người có thẻ bảo hiểm y tế diện bắt buộc (16%).

Trong mẫu điều tra, chỉ có 25% hộ gia đình có đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên của mình, còn lại 59% gia đình chỉ có một số người có thẻ, và 16% gia đình hoàn toàn không có ai có thẻ bảo hiểm y tế.

Số hộ gia đình đã có đầy đủ thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả các thành viên của mình chiếm tỷ lệ cao nhất nơi các hộ nhóm 5 tức nhóm khá giả nhất (49%), trong khi nơi nhóm 1 (nghèo nhất) tỷ lệ này chỉ đạt 19%, nơi nhóm 2 là 17%, và nhóm 3 là 16%.

Nơi các hộ khá giả nhất, tỷ lệ nhân khẩu có thẻ bảo hiểm y tế lên tới 70%, trong khi tỷ lệ này nơi nhóm hộ nghèo nhất chỉ đạt 47%.

Tình hình phân bố ngân sách chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế

Kết quả cuộc khảo sát tháng 9-2008 cho biết chi phí điều trị trong một năm của tất cả các hộ gia đình trong mẫu điều tra tổng cộng lên tới 2,68 tỉ đồng, trong đó tổng số tiền do cơ quan bảo hiểm y tế chi trả cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế là 522 triệu đồng (chiếm 19,5% trong tổng chi phí điều trị của các hộ gia đình).

Mức chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế tính bình quân trên tổng số những người có thẻ bảo hiểm y tế là 218.000 đồng/người/năm, trong đó riêng diện bảo hiểm y tế bắt buộc là 240.000, diện tự nguyện 253.000, và diện khác 33.000 đồng/người/năm.

Trong tổng số tiền chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế cho các hộ gia đình trong mẫu điều tra, phần lớn nhất là chi trả cho những người hưu trí và mất sức lao động (chiếm 38%), kế đó là giới lao động trí óc (20%), nhân viên (12%), học sinh và sinh viên (5%), nội trợ (5%), lao động tiểu thủ công nghiệp và lao động tự do (4%), buôn bán nhỏ (3%), công nhân (2%), nông dân (chưa tới 1%)…

Việc nhóm hưu trí và diện bảo hiểm y tế tự nguyện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách chi trả bảo hiểm y tế là điều cũng được ghi nhận trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2007 khi phân tích các số liệu của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (3).

Kết quả điều tra tháng 9-2008 cho biết không phải ai có thẻ bảo hiểm y tế cũng đều sử dụng thẻ khi đi điều trị: tỷ lệ có sử dụng thẻ chỉ lên tới 51%; riêng nơi nhóm 1 (nghèo nhất) là 53%, còn nơi nhóm 5 (giàu nhất) là 59%.

Ở đây có lẽ không cần phải nhắc lại những phiền toái trong việc điều trị cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế cũng như trong thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế mà báo chí lâu nay đã phản ánh nhiều và khiến nhiều người ngại sử dụng thẻ.

Nếu tính tổng cộng số tiền do cơ quan bảo hiểm y tế chi trả cho các gia đình trong mẫu điều tra, chúng ta có thể thấy rằng hai nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1 và 2) (vốn chiếm tới 40% số hộ) nhận được chưa tới một phần năm trong tổng kinh phí bảo hiểm y tế (18%), ngược lại hai nhóm khá giả nhất (nhóm 4 và 5) thì lại hưởng hơn một nửa trong tổng kinh phí này (57%).

Mức thanh toán của cơ quan bảo hiểm y tế bình quân cho một bệnh nhân thuộc những nhóm hộ khá giả cao hơn hẳn so với những nhóm hộ nghèo: 4,6 triệu đồng/người nơi nhóm 5 (giàu nhất) và 5,5 triệu nơi nhóm 4, trong khi nơi nhóm 1 (nghèo nhất) chi 2,0 triệu đồng/người và nhóm 2 là 0,9 triệu.

Còn nếu chỉ tính số bệnh nhân bị bệnh nặng phải điều trị nội trú tại bệnh viện thì riêng các bệnh nhân thuộc hai nhóm hộ 4 và 5 (khá giả nhất) chiếm tổng cộng tới 64% trong tổng số tiền chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế, và các bệnh nhân thuộc hai nhóm hộ 2 và 1 (nghèo nhất) chỉ được hưởng tổng cộng 14% trong số tiền chi trả này.

Nói cách khác, phần lớn khoản chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế đều dồn về các nhóm gia đình trung lưu và khá giả.

Một vài đề nghị

Tháng 11-2008 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế, đạo luật đầu tiên trong lĩnh vực này hướng đến mục tiêu phổ cập chế độ bảo hiểm y tế và mục tiêu công bằng xã hội; đạo luật này đã định ra mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

Theo thiển ý chúng tôi, TPHCM nên đặt ra mục tiêu xây dựng một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân sớm hơn các địa phương khác, bằng cách tính toán để thực hiện sớm việc mở rộng một số diện bảo hiểm y tế, sớm hơn so với lộ trình đề ra trong đạo luật mới nói trên, đặc biệt đối với những ngành nghề thuộc khu vực phi chính thức như tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do, nông dân… nhằm bảo đảm cho những tầng lớp lao động nghèo này có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách xứng đáng, và từng bước giảm bớt hiện trạng chênh lệch xã hội trong sự thụ hưởng phúc lợi y tế.

Ngoài ra, TPHCM nên chủ trương khuyến khích các loại hình bảo hiểm y tế tư nhân để bổ sung cho hệ thống bảo hiểm y tế do Nhà nước chủ trì, một mặt nhằm vận động được sự đóng góp và tiếp sức của các tổ chức từ thiện tư nhân và tôn giáo, mặt khác đây cũng là một khuôn khổ định chế mà những tầng lớp khá giả có thể mong muốn nhằm đạt được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn.

Mặt khác, thành phố cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm các nước để tiến hành xây dựng những loại hình tổ chức mới như hợp tác xã y tế chẳng hạn. Đây là dạng tổ chức tự nguyện của các gia đình người dân, góp tiền để trở thành xã viên, cùng với một số bác sĩ, y tá và dược sĩ, cũng là xã viên, để xây dựng cơ sở y tế tại địa phương, với quan điểm chính là mọi người cùng tham gia hoạt động y tế dự phòng để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe (4).
Trần Hữu Quang (*)
_________________________________________________________

(*) Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ.

Chú thích:

(1) Xem bài “Càng nghèo, chi phí y tế càng là gánh nặng”, TBKTSG số ra ngày 16-7, trang 45.

(2) Xin xem đặc điểm mẫu điều tra của cuộc điều tra về tình hình thụ hưởng phúc lợi xã hội của các hộ gia đình dân cư TPHCM được tiến hành vào tháng 9-2008, trong bài vừa dẫn.

(3) Xem World Bank, Vietnam Development Report 2008. Social Protection, Joint Donor Report to the Vietnam Consultative Group Meeting, Hanoi, December 6-7, 2007, tr. 92.

(4) Ngày 2-3-2009 vừa qua tại TPHCM, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Hợp tác xã Y tế Nhật Bản (JHCA) tổ chức cuộc hội thảo mang tên là “Hợp tác xã y tế – mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

 

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Comments are closed.