
Hỏa hoạn do sơ suất?
Sau khi khống chế được vụ hỏa hoạn, các lực lượng chức năng đã tạm thời đình chỉ hoạt động đối với Công ty Tân Trường Phát và tiến hành khoanh vùng hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Tiến hành khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của một số nhân viên có mặt hôm xảy ra vụ cháy, bước đầu đã phía Công an huyện Kỳ Anh xác định, xuất phát điểm của vụ cháy nằm trên đỉnh của “ngọn núi” gỗ dăm. Lúc đó, một số công nhân thấy cháy nhưng không thể khống chế được vì gió mạnh, khiến cho ngọn lửa lan ra rất nhanh.
Các ngành chức năng đã loại trừ khả năng có người cố ý đốt. Hai ngày trước đó, nhà máy đã không hoạt động do không đủ điện, lãnh đạo nhà máy cho công nhân nghỉ nên cũng có thể loại trừ khả năng cháy do chập điện trong lúc sản xuất.
Về những nghi ngờ vụ cháy là do mâu thuẫn trong làm ăn với đối thủ cạnh tranh thì ông Đinh Trọng Tuấn – Giám đốc công ty đã khẳng định: “Từ trước đến nay trong làm ăn công ty không phát sinh mấu thuẫn với ai, kể cả ngoài xã hội cũng vậy”.
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra chế độ, lương của công nhân và những mâu thuẫn có thể phát sinh trong công ty nhưng cũng không phát hiện được gì.
Công ty này cũng không hề có hợp đồng bảo hiểm nên cơ quan chức năng cũng có thể loại trừ trường hợp làm ăn thua lỗ, không bán được hàng nên cố ý hủy hoại tài sản để được hưởng bảo hiểm.
Cả 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ băm dăm ở Khu công nghiệp Vũng Áng đều không có đủ hệ thống “tự vệ” trước giặc lửa. |
Ông Lê Trọng Bính – Trưởng công an huyện Kỳ Anh đưa nghi ngờ về nguyên nhân của vụ cháy :”Trước đó hai ngày hai máy ủi có làm việc liên tục, công nhân lái máy đã cho máy ủi dồn gỗ dăm lên trên đỉnh, do hoạt động với công suất cao nên máy đã xả ra các tia lửa. Các tia lửa than này được ủ trên đỉnh của khối gỗ dăm hai ngày, cộng với thời tiết nắng nóng nên đã gây ra vụ hỏa hoạn”.
Cả khu công nghiệp Vũng Áng “giật mình”!
Tại Khu Kinh tế Vũng Áng, ngoài Tân Trường Phát thì còn có hai doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ băm dăm xuất khẩu.
Trong biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành về công tác PCCC, cả 3 doanh nghiệp này đều không có đủ điều kiện PCCC: bể chứa nước nhỏ, không có các phương án, lực lượng và nội quy PCCC. Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã tiến hành kiểm tra và xử phạt cả ba công ty nhiều lần nhưng nạp xong tiền phạt mọi chuyện vẫn không thay đổi.
Đây là hệ thống PCCC rất “bài bản” của KCN Vũng Áng, nhưng không hề phát huy hiệu quả khi có sự cố. Ảnh: Hà Vy |
Ông Trần Huy An – Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho biết: “Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực rất dễ xảy ra cháy nhưng không chịu trang bị các phương tiện PCCC, nếu có thì cũng làm theo kiểu đối phó. Đặc biệt khi kiểm tra tại doanh nghiệp Việt – Nhật thì lãnh đạo công ty đều vắng mặt để trốn tránh cơ quan chức năng và không chịu ký vào biên bản kiểm tra. Đã nhiều lần bị xử phạt về vấn đề này nhưng công ty vẫn không chịu khắc phục”.
Được biết tại công ty Tân Trường Phát có hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng hết sức sơ sài gồm một bể chứa nước 200 khối nhưng khi xẩy ra cháy trong bể chỉ có khoảng 10 khối và một ít bình chữa cháy nhỏ. Khi vụ cháy xẩy ra hệ thống này hầu như không phát huy tác dụng.
Hệ thống PCCC nhiều tỉ đồng tê liệt hoàn toàn
Theo tìm hiểu của VietNamNet thì hệ thống PCCC của KCN đã được quy hoạch tổng thể của dự án xây dựng hạ tầng. Xung quanh các nhà máy đều có hệ thống vòi rồng và đường ống dẫn nước chữa cháy. Nhưng đến thời điểm xảy ra cháy thì các công trình tiền tỷ này không hề hoạt động.
Ông Hồ Anh Tuấn – Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (KKTVA) cho biết: “Đúng là có chuyện đó. Hệ thống hạ tầng khu công nghiệp có tổng mức đầu tư 154 tỷ nhưng hiện tại mới chỉ có 82 tỷ (trong đó 60 tỷ là của chính phủ đầu tư, tỉnh mới bỏ ra 22 tỷ), trong đó có hệ thống họng cứu hỏa và nước chữa cháy. Vì thiếu vốn nên hệ thống chữa cháy của KCN mới làm được đến chừng đó.
Việc xảy ra cháy tại Tân Trường Phát là trường hợp bất khả kháng và không thể lường được. Đây là một trong những doanh nghiệp không quan tâm đến công tác phòng cháy và chữa cháy. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không chịu thực hiện”.
“Hiện chúng tôi đang phối hợp với Công an tỉnh trình lên UBND đầu tư xây dựng một trạm PCCC tại KCN. Hôm xảy ra cháy, do quãng đường xe cứu hoả chạy từ Thành phố Hà Tĩnh vào KCN là 60km nên phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau lực lượng PCCC mới có mặt, khi đó ngọn lửa đã cháy mạnh nên khó khống chế” – ông Hồ Anh Tuấn trao đổi thêm.
Ông Lê Trọng Bính – Trưởng công an Kỳ Anh cho biết: “Khi xảy ra cháy nếu có đủ nước thì với lực lượng đó có thể dập tắt sớm hơn và thiệt hại sẽ không lớn như thế. KCN đã xây dựng một nhà máy nước vào năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy tai KCN sẽ còn tiếp tục và rất khó để cứu vãn”.
- Duy Tuấn – Hà Vy (Vietnamnet)
Comments are closed.