Châu Á: Cơ cấu dân số già và vai trò của ngành bảo hiểm

(Webbaohiem) – Tại nhiều nước trên thế giới, do tuổi thọ trung bình tăng lên và số lượng trẻ em sinh ra giảm nên dân số đang trở nên già đi. Theo đó, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm khoảng 1/4 dân số trên toàn cầu vào năm 2050.

bao-hiem-cho-nguoi-giaBáo cáo mới đây của Swiss Re nhận định, tại những nước đang phải đối mặt với thách thức từ việc đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, ngành bảo hiểm sẽ có cơ hội đóng vai trò quan trọng hơn trong lĩnh vực này nếu họ tìm được các giải pháp phù hợp và hấp dẫn.

Xu hướng già hóa đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó một số quốc gia châu Á là những nước đi đầu, những nước còn lại cũng đang đuổi theo rất nhanh. Tại Nhật Bản, hơn 1/4 dân số có độ tuổi từ 65 trở lên. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế trong 20 năm vừa qua nhờ sự đóng góp quan trọng của cơ cấu dân số với số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao, thì giờ đây quốc gia đông dân này đang phải gánh chịu tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Đến nay, thế giới đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc kéo dài tuổi thọ của con người, song mặt trái của tình trạng này là chính phủ và bản thân những người lớn tuổi đang đau đầu với bài toán tìm kiếm nguồn ngân sách để đảm bảo phúc lợi xã hội và trang trải cuộc sống.
Bản báo cáo của Swiss Re có tựa đề “Ai chi trả cho người lớn tuổi?” cho biết kết quả khảo sát tại 6 nước, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc, đề cập tới hai khía cạnh bao gồm việc bổ sung nguồn vốn nhằm lấp đầy khoảng trống thiếu hụt và cách thức doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp bảo đảm tài chính cho người cao tuổi.

Theo bà Sohila Kwan, Giám đốc Giải pháp bảo hiểm sức khỏe và Y tế của Swiss Re tại châu Á: “Các mô hình tài chính mà chính phủ, các cá nhân và doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng không bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về đặc điểm nhân khẩu học của dân số”.
“Ngành bảo hiểm cần có cách tư duy khác đối với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe – cả về các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng và sự sẵn sàng tham gia vào các giải pháp với chính phủ và các bên liên quan”.

Bản báo cáo sử dụng khái niệm “Ví tuổi già” để so sánh số tiền cần chi tiêu để trang trải cho cuộc sống người trên 65 tuổi thông qua 3 nguồn: phúc lợi xã hội, tiết kiệm và bảo hiểm. Mặc dù ở các thị trường khác nhau, cơ cấu 3 nguồn này không giống nhau song điểm chung là bảo hiểm mới chỉ đóng góp khoảng 5% tổng chi tiêu.

bao-hiem-nguoi-gia-2Bà Kwan giải thích: “Các hãng bảo hiểm Nhật Bản đã thành công trong việc nâng cao thị phần sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và tại Trung Quốc, chúng tôi dự kiến nhu cầu sản phẩm bảo hiểm ‘sống tốt’ đang tăng lên”.

“Ngành bảo hiểm đang có cơ hội cung cấp nguồn tài chính nhằm hỗ trợ cuộc sống người cao tuổi. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia châu Á hiện nay”, bà Kwan kết luận.

Trần Lâm (Theo AIR).