Chất lượng tư vấn viên bảo hiểm từ câu chuyện người trong nghề

Tư vấn viên bảo hiểm Hồ Thị Ngọc Như kể, trong một lần về quê tại một tỉnh miền Trung, tình cờ chị phát hiện nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bà con quê mình bị sai sót.

Chất lượng tư vấn bảo hiểm

“Có hợp đồng thiết kế sai đối tượng được bảo hiểm hoặc sản phẩm không phù hợp cho người được bảo hiểm, có hợp đồng thiếu sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, tai nạn, hoặc không kê khai tình trạng sức khoẻ vào hợp đồng…”, chị Như kể.

Hậu quả của những sai sót trên, theo chị Như, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được bảo hiểm, chẳng hạn với bảo hiểm bệnh ung thư, người được bảo hiểm sẽ không nhận được tiền để chữa bệnh khi mắc các bệnh hiểm nghèo như tai biến, ung thư, tim mạch… bởi công ty bảo hiểm sẽ không chi trả cho các trường hợp được cho là kê khai sai, gian lận hồ sơ bảo hiểm.

Theo đó, bên cạnh việc trực tiếp hỗ trợ bà con, chị Như nhắn nhủ tới các tư vấn viên bảo hiểm chưa làm đúng trách nhiệm cần nhanh chóng sửa sai, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi được chi trả bồi thường sau này của khách hàng.

Theo tư vấn viên bảo hiểm lâu năm Nguyễn Hùng, bên cạnh những tư vấn viên tài chính chuyên nghiệp, có tâm với nghề, có không ít tư vấn viên mới vào nghề, làm ăn chộp giật, tư vấn không tròn vai, miễn sao bán được bảo hiểm. Cả anh Hùng và chị Như cho biết, mấy năm gần đây, có cả các thợ cắt tóc gội đầu, tiệm nail, thợ may, thợ sửa quần áo, thậm chí cả bà bán rau, bán tôm cua cá ngoài chợ… cũng đi bán bảo hiểm. Bản thân người viết cũng từng được chào mời mua bảo hiểm theo kiểu này.

“Họ vừa bán rau quả, vừa cắt tóc, vừa mời chào mua bảo hiểm, trong khi kiến thức về bảo hiểm gần như bằng không. Hệ lụy là ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đến niềm tin đối với nghề này”, anh Hùng nói.

Liên quan tới trách nhiệm của tư vấn viên, chị Như kể tiếp: “Có một anh muốn mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro tai nạn và ung thư. Vì anh là trụ cột tài chính, là người duy nhất làm ra tiền trong gia đình, vợ anh chỉ ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ, nên anh mua bảo hiểm để phòng chuyện không may xảy ra. Tuy nhiên, sau đó, hợp đồng bảo hiểm chỉ bảo vệ người vợ là chính, trong khi anh trở thành ‘kép phụ'”.

“Người dân muốn mình được bảo vệ trọn vẹn nên họ mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng tư vấn viên lại thiết kế quyền lợi bảo hiểm không dựa trên mong muốn của khách hàng. Một tư vấn viên bảo hiểm tối thiểu phải hiểu sản phẩm mà mình định bán, từ đó phân tích, giải đáp cho khách hàng hiểu, sau đó mới giới thiệu sản phẩm phù hợp cho khách hàng”, chị Như nhấn mạnh.

Thu Hương – một tư vấn viên bảo hiểm giàu kinh nghiệm cho biết, tuần qua xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa khách hàng bị tai nạn giao thông tại Vinh (từ tháng 8/2018, bị gãy xương hàm dưới, gãy răng, gãy đốt sống tay, thủng màng nhĩ tai trái, liệt vùng 7 ngoại biên, vỡ xương đá) với một công ty bảo hiểm cũng bởi lý do chất lượng tư vấn không tốt.

“Khách hàng này cho biết, đã gần 1 năm trôi qua, nhưng công ty bảo hiểm vẫn chưa chi trả bảo hiểm với lý do khách hàng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Trong khi theo vị này, ở các cuộc tư vấn mua bảo hiểm trước đó đều không được giải thích về việc sử dụng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nếu xảy ra tai nạn thì sẽ không được chi trả bồi thường”, chị Hương nói và giải thích, lý do khiến tư vấn viên “né” đề cập tới các trường hợp loại trừ bảo hiểm do e ngại nếu nói rõ ngay từ đầu thì khách hàng sẽ không mua bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, chất lượng tư vấn viên không đồng đều là một trong những nguyên nhân làm tăng sự hoài nghi của người dân về bảo hiểm. Ðể hạn chế tình trạng này, theo các tư vấn viên lâu năm, bên cạnh sự tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các tư vấn viên của doanh nghiệp bảo hiểm, thì bản thân mỗi tư vấn viên phải là người yêu nghề, có tâm với nghề, từ đó tự rèn luyện, nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ khách hàng được tốt nhất.

Theo Kim Lan (ĐTCK)