Chậm là mất cơ hội

Bệnh nhân BHYT được điều trị bằng phương pháp hiện đại tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.QĐND – Tại hội nghị cán bộ toàn quân, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu: Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho các cơ sở quân y tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế (BHYT), vì đây là vấn đề tác động trực tiếp đến quyền lợi của mỗi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng và thân nhân quân nhân. Thực tế cho thấy, tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT sẽ tạo điều kiện phát triển các cơ sở quân y nhưng nếu chậm sẽ mất cơ hội.

“Cánh cửa” ngày càng hẹp

Theo thông tin từ Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng: Hiện toàn quân có khoảng 330 bệnh viện, bệnh xá (gọi chung là cơ sở quân y) có thể tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% cơ sở thực hiện được việc ký hợp đồng với BHXH Bộ Quốc phòng và khoảng gần 20% cơ sở ký hợp đồng với BHXH các tỉnh, thành phố về đăng ký, khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT do các cơ quan này quản lý.
Tiến trình đưa các cơ sở quân y tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT sẽ chưa “nóng” nếu không để ý đến lộ trình thực hiện Luật BHYT của nước ta. Theo lộ trình này, đến ngày 1-1-2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân; có nghĩa là, chỉ còn 29 tháng nữa, mọi người dân Việt Nam sẽ khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, các cơ sở y tế khi khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT nếu có kết dư kinh phí khám, chữa bệnh BHYT thì sẽ được giữ lại 60% để dùng vào việc mua sắm, bảo dưỡng trang, thiết bị y tế, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc. Theo tư duy mới của Luật BHYT và bằng việc quy định BHYT toàn dân, thì các cơ sở y tế công cộng nói chung, cơ sở quân y nói riêng muốn phát triển được phải tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Trong khi đó, về mặt tâm lý nói chung, phần lớn các đối tượng ít khi thay đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu mà họ đã đăng ký với cơ quan BHXH. Vì vậy, trong thời gian 29 tháng ngắn ngủi còn lại, nếu các cơ sở quân y không “nhanh chân” thì cơ hội sẽ ngày càng hẹp.

“Lợi đôi đường”… nhưng vẫn chậm triển khai

Cơ sở quân y tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT thì sẽ “lợi nhiều đường”, đó là phân tích của các chuyên gia. Bởi vì, khi tham gia khám, chữa bệnh BHYT và quản lý quỹ BHYT hiệu quả, cơ sở quân y sẽ có thêm được nguồn kinh phí từ quỹ BHYT kết dư để mua sắm các trang, thiết bị y tế hiện đại (cùng với nguồn ngân sách). Không những thế, việc được tham gia khám, chữa bệnh cho nhiều người bệnh sẽ giúp đội ngũ y, bác sĩ tuyến quân y cơ sở có thêm điều kiện nâng cao tay nghề, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt hơn. Việc này cũng sẽ tham gia giải quyết công tác cán bộ của ngành quân y, động viên đội ngũ thầy thuốc ở cơ sở yên tâm công tác.
Thượng tá Lưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng BHYT thuộc BHXH Bộ Quốc phòng cho biết: Theo nội dung quản lý thì với số thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành, rất nhiều đối tượng bày tỏ mong muốn được đăng ký khám, chữa bệnh trong một cơ sở quân y. Có được điều đó là nhờ các cơ sở quân y có đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn vững vàng đồng đều, y đức tốt, chiếm được tình cảm, niềm tin trong nhân dân. Đặc biệt, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người dân do BHXH địa phương phát hành thẻ BHYT muốn được khám, chữa bệnh trong các cơ sở quân y cũng rất đông. Trong khi đó, hiện mới có 15% đối tượng BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng quản lý đăng ký khám, chữa bệnh tại các cơ sở quân y. Như vậy, có tới hơn 85% số đối tượng, cũng có nghĩa là số kinh phí BHYT nhiều trăm tỷ đồng do BHXH Bộ Quốc phòng thu nộp, do BHXH các tỉnh, thành phố đang quản lý, giám định chi giúp.

Tại sao việc tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT có lợi như vậy mà các cơ sở quân y vẫn hờ hững, chậm chạp trong khâu triển khai? Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng thì có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan chủ quản của cơ sở quân y vẫn chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT, vì vậy mà chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chưa tạo điều kiện (đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ thầy thuốc, đổi mới cơ chế quản lý) để các cơ sở quân y chủ động tham gia vào lĩnh vực này. Thứ hai, năng lực hoạt động của BHXH Bộ Quốc phòng cũng còn có hạn, chưa đủ mạnh để giúp đỡ các đơn vị triển khai nhiệm vụ này (lực lượng giám định viên của BHXH Bộ Quốc phòng còn quá mỏng, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chưa được tập huấn giám định,…). Muốn các cơ sở quân y nhanh chóng tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT thì cần thiết phải giải quyết tốt cả hai vấn đề nêu trên.

Lời giải

Tại buổi làm việc giữa Đại tướng Phùng Quang Thanh với đồng chí Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam và đồng chí Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua, đồng chí Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã giao BHXH Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc nhằm đưa các cơ sở quân y nhanh chóng tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT.

Để giải quyết vấn đề nhận thức, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ thị cho lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan quan tâm đúng mức vấn đề này. Ngày 9-7 vừa qua, Văn phòng Bộ Quốc phòng cũng đã có Công văn số 2186, thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, nêu rõ: Giao Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí quân đội tuyên truyền kết quả triển khai, tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT trong quân đội. Bộ trưởng cũng yêu cầu Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội tập trung dành riêng một chuyên mục trên báo, đài để tuyên truyền có hệ thống, liên tục về công tác BHXH, BHYT để lãnh đạo, chỉ huy các cấp và mọi quân nhân, mọi người lao động và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHYT trong quân đội đã góp phần tích cực vào công tác chính sách hậu phương quân đội, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, cơ quan cán bộ, quân lực các cấp cần tuyên truyền, phổ biến cho mọi công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng và quân nhân về việc có quyền đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở y tế quân đội hoặc dân y ở nơi thuận tiện nhất theo quy định của pháp luật về BHYT.

Về bài toán năng lực giám định BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã kết luận, giao cho cơ quan chức năng một mặt tuyển chọn, điều động bác sĩ về làm công tác BHYT tại cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng để đáp ứng yêu cầu trước mắt cho nhiệm vụ về công tác BHYT trong quân đội; mặt khác, lắng nghe phản ánh từ cơ sở, tiếp tục nghiên cứu đề xuất của các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tăng cường biên chế đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BHXH, BHYT ở các đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Bài và ảnh: Hồng Hải
www.qdnd.vn

Comments are closed.