Chưa có người dân nào mua được thẻ BHYT tự nguyện

Mặc dù BHXH Việt Nam thông báo ngày hôm qua (14/1), người dân bắt đầu được mua BHYT tự nguyện thoải mái chứ không bị ràng buộc bởi quy định 100% người trong một hộ gia đình, 10% số dân cư trong một phường, xã cùng mua như trước đây. Theo ghi nhận từ 17 giờ 30 chiều qua, trên cả nước chưa có người dân nào mua được thẻ BHYT tự nguyện.

TP.HCM: Đi lên, đi xuống mà mua không được

Từ tháng 6/2007 đến nay, người dân cả nước chờ mỏi cổ vẫn chưa thể mua được BHYT tự nguyện cho dù đã có quy định mới thay cho rào cản của quy định cũ. Mãi gần đây BHXH Việt Nam mới thông báo bán BHYT… bằng miệng rằng 14/1 sẽ có hiệu lực. Nhưng “đến hẹn lại lên”, một lần nữa BHXH nói đến 25/1 mới bắt đầu bán BHYT cho người dân.

Thẻ BHYT hết hạn từ tháng 6/2007, bà Nguyễn Thị T. (phường 15, quận Bình Thạnh) lên phường xin mua, thế nhưng do mắc quy định 100% và 10% trước đây nên bà chưa thể mua được, phải chờ đến ngày hôm nay. Thế nhưng hôm qua (14/1), tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, bà T. vẫn chạy thận, mỗi lần chạy bà tốn hết gần một triệu đồng. “Nhà nước làm khó quá, tôi đi lên đi xuống hỏi thăm, chờ đợi để mua. Hôm nay (tức 14/1 – PV), nghe báo chí nói đã bán BHYT, tôi lên phường hỏi thì nơi đây cho biết chưa bán vì… chưa có thông báo gì” – bà T. nói.

Cùng cảnh ngộ, bà Đỗ Ngọc M. (phường 3, quận 3) từ sáng sớm đã lên phường hỏi thăm. Thế nhưng mặt bà tiu ngỉu trở về vì không ai bán. Bà chỉ được cán bộ bảo ghi tên, về nhà chờ khi nào có thông báo phường sẽ mời lên mua… Bà M. nói: “Khi nào nhà nước bán thì hãy thông báo, cứ cái kiểu này chúng tôi đi lên, đi xuống lại mua không được, làm mất công, tốn sức…”.

“Chúng tôi cũng sốt ruột lắm”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào sáng hôm qua (14/1), ông Nguyễn Quang Nam Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường 3, quận 3, cho biết có nhiều người dân đã đến phường hỏi mua. Tuy nhiên, phường chưa nhận được thông báo nào của quận và thành phố nên chỉ biết hướng dẫn người dân về nhà… chờ. Theo ông Thắng, phường còn tồn đọng khá đông người đăng ký mua BHYT tự nguyện từ trước nên chỉ biết ghi tên và khi nào có thông báo mới gọi lên mua. “Chúng tôi sẽ hỏi xem ở quận và thành phố để trả lời cho người dân biết” – ông Thắng nói. Ông Vũ Nam Trung, Chủ tịch UBND phường 17, quận Bình Thạnh, cũng cho biết chưa thể mua BHYT tự nguyện cho người dân bởi chưa có hướng dẫn. Hiện nay, danh sách, tiền bạc người dân đóng góp đã sẵn sàng, chỉ cần có hướng dẫn thì cho người dân mua mà thôi!

 

Theo ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, chủ trương bán BHYT tự nguyện của Bộ Y tế và Bộ Tài chính mới có quy định chung, còn biện pháp thì phải có quy định cụ thể. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn là nên giao việc thu mua BHYT tự nguyện cho ai? Các phường, xã hay các đoàn thể? Ngoài ra, còn hình thức thanh toán, thủ tục, kỹ thuật như thế nào thì cũng chưa rõ… Tất cả vẫn chưa có hướng dẫn nên không thể nói trước điều gì. “Vì vậy, thành phố vẫn chưa thể triển khai để người dân mua. Không biết đến hết tháng 1/2008, TP.HCM có thể triển khai được hay chưa vì không có một văn bản nào trong tay. Chúng tôi cũng sốt ruột lắm!” – ông Tráng bày tỏ.

Cần Thơ: Mới nhận công văn hướng dẫn

Sáng qua (14/1), có rất đông người dân đến phòng tiếp dân của Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ hỏi mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện nhưng không được. Bởi vì: “Họ giải thích chúng tôi từ từ đợi cuối tháng này đi” – anh Nguyễn Văn Minh (quận Ninh Kiều) nói. Nhiều người ra về với tâm trạng không được vui. “Nghe nói điều kiện mua BHYT lúc này nó dễ hơn nên tôi đến từ sớm để mua cho cả nhà năm người nhưng họ bảo chờ thì mình chờ chứ biết sao” – chị Phạm Thị Diệu (quận Bình Thủy) cho biết.

Giải thích điều này, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Bảo hiểm tự nguyện, cho biết: “Chúng tôi mới nhận được công văn hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện sáng nay nên hiện ban lãnh đạo đang họp bàn phương hướng triển khai. Chậm nhất là ngày 18-1 chúng tôi sẽ họp tất cả các đại lý trên địa bàn thành phố hướng dẫn cách thức thực hiện công văn này”.

Ông Hải cũng cho biết thêm: “Hiện chúng tôi biết bà con ở Cần Thơ rất nôn nóng được mua BHYT tự nguyện. Theo dự kiến khi triển khai xong sẽ có trên 20 ngàn người dân sẽ tham gia loại hình này. Trước đây cả TP chỉ có gần bốn ngàn người tham gia do điều kiện khó khăn”.

Hà Nội: Thứ Sáu này mới tập huấn

Hà Nội vẫn chưa triển khai hướng dẫn về việc bãi bỏ các điều kiện tham gia khi mua thẻ BHYTTN. Ông Đào Văn Giáp, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết đến thứ Sáu tuần này (18/1) mới tập huấn nghiệp vụ cho khoảng 70 cán bộ bảo hiểm ở tất cả các địa phương về cách in, nộp tiền, thu tiền… Chắc đầu tuần sau mới đưa vào triển khai đại trà cho người dân. Ông nói việc xóa bỏ các điều kiện khi tham gia BHYTTN sẽ giúp cho khoảng ba triệu người dân trên cả nước được tham gia. Số người tham gia mua BHYTTN Hà Nội ít hơn các địa phương bởi nhiều người đã tham gia BHYT bắt buộc. Chỉ có dân làm nghề tự do mới tham gia BHYTTN.

Đăng ký mua từ 1-25 hàng tháng

Người dân đóng tiền rồi thì bao lâu mới được cấp thẻ?

– Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban BHXHTN-BHXHVN: Lần này cơ quan bảo hiểm thực hiện việc cấp thẻ trực tiếp tại BHXH huyện (chứ không từ tuyến huyện rồi chuyển lên tỉnh như lần đầu tiên áp dụng việc mua BHYTTN với nhiều điều kiện bắt buộc – PV). Ngoài ra BHXH đã lên kế hoạch phân cấp để làm sao giải tỏa được áp lực của người dân, nhất là những “điểm nóng” như Kiên Giang, TP.HCM (những nơi nhu cầu mua thẻ BHYTTN nhiều)… Cụ thể từ ngày 1 đến 25 hàng tháng, người dân đến đăng ký tham gia mua BHYTTN ở các đại lý trên địa bàn mình. Từ ngày 25 đến 30, đại lý bảo hiểm sẽ nộp tiền về cơ quan BHXH tuyến huyện (tỉnh hoặc thành phố). Chậm nhất 30 ngày sau, kể từ ngày đại lý nộp tiền về cho cơ quan BHXH, thẻ BHYTTN sẽ có hiệu lực. Thống kê cho thấy có khoảng 85% địa phương đã có đại lý BHYTTN. Có khoảng 16.000 đại lý và 16.000 cán bộ làm công tác BHXH.

Các mức tham gia BHYTTN như thế nào?

+ Mức tham gia BHYTTN ngoài hai đối tượng học sinh, sinh viên có mức đóng 120.000 đồng/người/năm đối với khu vực thành thị và 100.000 đồng/người/năm đối với khu vực nông thôn thì đối tượng nhân dân cũng có hai mức đóng 320.000 đồng/người/năm (thành thị) và 240.000 đồng/người/năm (nông thôn). Ngoài ra, người dân tham gia theo hộ gia đình thì từ thành viên thứ ba sẽ được giảm 10% mức đóng cá nhân; giảm 20% mức đóng từ thành viên thứ tư trở đi. Người dân ở huyện nào thì được đăng ký mua BHYTTN ở bệnh viện đa khoa huyện đó.

Còn mức thanh toán như thế nào?

+ Khi khám chữa bệnh ngoại trú, được thanh toán 100% chi phí nếu dưới 100.000 đồng một lần khám; được thanh toán 80% nếu trên 100.000 đồng. Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao được thanh toán 80% nếu dưới 20 triệu đồng/lần sử dụng. Riêng trường hợp người tham gia BHYTTN khám chữa bệnh ở cơ sở y tế không có hợp đồng hay khám chữa bệnh ở nước ngoài được cơ quan BHXH thanh toán 80% chi phí nếu trên 100.000 đồng.  

 

(theo PL TPHCM)

 

Comments are closed.