Câu hỏi cho các nhà quản lý Doanh nghiệp bảo hiểm

hop4ben.jpgThị trường bảo hiểm Việt Nam tuy vẫn còn non trẻ nhưng cũng đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn cũng như hưng thịnh. Sự phát triển của thị trường cũng kéo theo việc cạnh tranh ngày càng gay gắt, các công ty bảo hiểm mới thành lập, sự gia tăng về số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch mới, các vấn đề về trục lợi bảo hiểm, cạnh tranh thông qua giảm phí hay chia hoa hồng cho khách hàng, chế độ lương thưởng của nhân viên… Các vấn đề này thật sự đang đặt ra cho các nhà quản lý doanh nghiệp bảo hiểm những câu hỏi không dễ trả lời. Bài viết này nêu ra 3 vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đã và đang cố gắng giải quyết để đưa ra được những quyết sách trong việc điều hành và quản lý của mình.

Vấn đề thứ 1 : Làm thế nào để giảm rủi ro trong quản lý, phân cấp hoạt động của các chi nhánh của  công ty bảo hiểm?

Công tác cấp đơn tại các chi nhánh của các công ty bảo hiểm thường dựa trên Chứng chỉ bảo hiểm được ký và đóng dấu sẵn (gọi là các khống chỉ). Việc làm này đáp ứng được nhu cầu cấp đơn nhanh gọn thuận tiện cho khách hàng, giảm chi phí cấp đơn và giảm gánh nặng cho phòng nghiệp vụ khi phân cấp phạm vi cấp đơn về chi nhánh. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm lại gặp rủi ro về trách nhiệm khi không kiểm soát được những rủi ro bảo hiểm trước khi cấp đơn. Công ty bảo hiểm sẽ phải bảo hiểm thế nào cho rủi ro trong quản lý chi nhánh của mình đem lại?

Vấn đề thứ 2 : Phân chia chức năng giữa hoạt động khai thác và giải quyết bồi thường để tránh trục lợi bảo hiểm?

Hiện nay nhiều công ty bảo hiểm đều có cơ chế phòng khai thác đồng thời làm giám định bồi thường trong phạm vi được phân cấp. Điều này có thể được coi như vừa đánh trống, vừa thổi còi. Nhiều công ty bảo hiểm mới chỉ đặt mục tiêu doanh thu lên hàng đầu mà chưa coi trọng hiệu quả khai thác dịch vụ. Điều này cho các đơn vị khai thác tùy tiện giải quyết bồi thường cho khác hàng không theo qui định, hướng dẫn, thậm chí còn cố tình làm sai để giữ khách hàng cũng như thông đồng trục lợi bảo hiểm  Do vậy, vấn đề tổ chức quản lý nghiệp vụ giám định bồi thường phải đặt ra nghiêm túc và chặt chẽ nhằm mục tiêu đạt hiệu quả kinh doanh, chuyên nghiệp hóa dịch vụ và giảm thiểu hiện tượng trục lợi bảo hiểm. Có nên chăng tách bạch hoàn toàn bộ phận khai thác và bộ phận bồi thường? Trên thực tế các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới đã và đang chuyên nghiệp hóa các nghiệp vụ này, một số các công ty của Việt Nam sau khi liên kết kinh doanh với nước ngoài cũng đã bắt đầu triển khai thay đổi mô hình quản lý theo mô hình của thị trường nước ngoài.

Vấn đề thứ 3 : Làm thế nào để giải quyết chế độ lương thưởng cho nhân viên trong quan hệ với hoa hồng?

Hẳn toàn thị trường bảo hiểm vẫn chưa quên được vụ việc tiêu cực ở chi nhánh công ty bảo hiểm Bưu điện TpHCM khi lãnh đạo vào cán bộ chi nhánh này đã lập hồ sơ đại lý giả rút hoa hồng gần 9 tỷ đồng. Sau vụ án này, hàng loạt bài báo về “thị trường bảo hiểm nhuốm màu… hoa hồng” xuất hiện gây xôn xao dư luận. Vấn đề được đề cập lúc bấy giờ là cạnh tranh qua giảm phí, chia hoa hồng cho khách hàng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lập hồ sơ đại lý giả để rút hoa hồng. Đến bây giờ vấn đề về chế độ lương thưởng cho nhân viên trong quan hệ với hoa hồng vẫn đang cần tìm hướng giải quyết. Có ý kiến cho rằng phải tăng lương cho nhân viên bảo hiểm để hạn chế tình trạng ăn chia hoa hồng. Nhưng nếu chỉ đơn giản như vậy thì có giải quyết được tận gốc vấn đề và làm trong sạch khâu khai thác bảo hiểm gốc hay không?

Thêm nữa đã đến lúc các doanh nghiệp bảo hiểm cần nhận thức rõ rằng chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp sẽ là mấu chốt để giữ chân khách hàng, không coi việc chi hoa hồng là phương tiên cạnh tranh trên thị trường. Việc giáo giục đạo đức của nhân viên, xây dựng văn hóa kinh doanh, quán triệt đối với từng cán bộ khai thác phải là biện pháp cấp bách cho các doanh nghiệp để cải thiện được những rủi ro này.

Những vấn đề nêu trên thật sự là những bài toán khó kêu gọi sự vào cuộc không chỉ riêng các nhà quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả Web Bảo Hiểm về các vấn này để cùng chia sẻ với kinh nghiệm với các nhà quản lý trong thị trường Bảo hiểm Việt Nam.

Web Bảo hiểm 

 

Comments are closed.