Câu hỏi 407: HĐBH khách du lịch trong nước được ký kết như thế nào?

Câu hỏi 407: HĐBH khách du lịch trong nước được ký kết như thế nào?

         Trả lời:

 

Có 3 hình thức bảo hiểm theo nghiệp vụ bảo hiểm này:

 

– Bảo hiểm chuyến du lịch: HĐBH chuyến du lịch có thể được ký kết cho nhóm (bảo hiểm tập thể) hoặc cho từng cá nhân.

 

+ Các tập thể có yêu cầu tham gia bảo hiểm chuyến du lịch, người bảo hiểm ký HĐBH với các tập thể kèm theo danh sách các cá nhân được bảo hiểm.

 

+ Trường hợp tham gia bảo hiểm cá nhân, người bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng cá nhân.

 

– Bảo hiểm tại khách sạn.

 

Trường hợp phí bảo hiểm được thu gộp cùng với tiền phòng ở khách sạn, hóa đơn thu tiền phòng có phần phí bảo hiểm được coi là bằng chứng đã tham gia bảo hiểm.

 

Trường hợp cá nhân yêu cầu tham gia bảo hiểm tại khách sạn, người bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng cá nhân sau khi đã nộp đủ phí bảo hiểm theo quy định.

 

– Bảo hiểm tại điểm (tại nơi) du lịch.

 

Trường hợp vé vào cửa khu du lịch có thu phí bảo hiểm được coi là HĐBH tại điểm (tại nơi) du lịch.   Hiệu lực bảo hiểm được quy định như sau:

 

Tùy vào từng hình thức bảo hiểm mà hiệu lực bảo hiểm khách du lịch có thời điểm bắt đầu và kết thúc khác nhau.

 

– Bảo hiểm chuyến du lịch: Bảo hiểm có hiệu lực kể từ thời gian bắt đầu chuyến du lịch tại nơi xuất phát và kết thúc khi chuyến du lịch hoàn thành theo thời gian và địa điểm ghi trên HĐBH.

 

+ Trường hợp xin gia hạn HĐBH chuyến, người được bảo hiểm phải thông báo cho người bảo hiểm nơi gần nhất biết… trước khi hết hạn đã ghi trên HĐBH. Nếu người được bảo hiểm không xin gia hạn hợp đồng hoặc không được DNBH chấp nhận gia hạn thì hiệu lực bảo hiểm sẽ kết thúc như đã quy định tại HĐBH.

 

+ Nếu chuyến đi của người được bảo hiểm không thực hiện được đúng như dự định trong thời hạn bảo hiểm do gặp bão, lụt, hoả hoạn, động đất hoặc đường xá, cầu cống, phương tiện chuyên chở bị hư hỏng thì thời hạn quy định trong HĐBH chuyến được tự động kéo dài cho đến khi hoàn thành chuyến đi mà không phải nộp thêm phí bảo hiểm. Tuy nhiên, thời hạn kéo dài này không được vượt quá 48 giờ. Nếu quá thời hạn này thì phải báo cho DNBH gần nhất biết để xét bảo hiểm tiếp, tính thêm phí bảo hiểm hoặc đình chỉ bảo hiểm, tuỳ từng trường hợp cụ thể.

 

+ Trường hợp Người được bảo hiểm tự ý chấm dứt hành trình du lịch thì hiệu lực của bảo hiểm chuyến cũng kết thúc ngay tại thời điểm chấm dứt đó và DNBH không có trách nhiệm hoàn phí.

 

+ Trường hợp một trong hai bên đề nghị huỷ bỏ HĐBH phải thông báo cho bên kia trước 24 h. Nếu hợp đồng được hai bên thoả thuận huỷ bỏ, phí bảo hiểm của thời hạn còn lại sẽ được trả 80% với điều kiện đến thời điểm đó người được bảo hiểm chưa có lần nào DNBH chấp nhận trả tiền bảo hiểm.

 

– Bảo hiểm tại khách sạn:

 

+ Trường hợp phí bảo hiểm được thu gộp cùng với tiền phòng, bảo hiểm có hiệu lực kể từ thời điểm người được bảo hiểm hoàn thành thủ tục nhận phòng tại khách sạn cho đến khi làm xong thủ tục trả phòng.

 

+ Trường hợp cá nhân yêu cầu tham gia bảo hiểm tại khách sạn, bảo hiểm có hiệu lực kể từ thời điểm người được bảo hiểm hoàn thành thủ tục nhận phòng tại khách sạn cho đến 12 h ngày kết thúc bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể xin gia hạn bảo hiểm tại khách sạn với điều kiện phải nộp thêm phí bảo hiểm trước khi hết hạn đã ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.

 

– Bảo hiểm tại điểm (tại nơi) du lịch: Bảo hiểm có hiệu lực kể từ khi người được bảo hiểm qua cửa kiểm soát vé để vào khu du lịch và kết thúc ngay khi người được bảo hiểm ra khỏi cửa soát vé đó.

Comments are closed.