Câu hỏi 324: Điểm khác biệt cơ bản giữa trả tiền bảo hiểm theo nguyên tắc

Câu hỏi 324: Điểm khác biệt cơ bản giữa trả tiền bảo hiểm theo nguyên tắc bồi thường và nguyên tắc khoán là gì?

Trả lời:

Mục đích bồi thường của bảo hiểm là nhằm bù đắp thiệt hại của người được bảo hiểm, đưa họ trở về khả năng tài chính ban đầu như trước khi gặp rủi ro. Số tiền bồi thường bảo hiểm cao hay thấp phụ thuộc vào giá trị thiệt hại thực tế của người được bảo hiểm và quy tắc bồi thường bảo hiểm, đồng thời không vượt quá các chi phí thực tế mà người được bảo hiểm phải gánh chịu. Trả tiền theo nguyên tắc khoán, số tiền trả đã được định mức trước trong HĐBH, không phụ thuộc vào chi phí thực tế mà phụ thuộc vào số tiền bảo hiểm đã ký kết cùng với những quy định đã thỏa thuận trong HĐBH. Khoản tiền bảo hiểm trả theo nguyên tắc khoán có thể thấp hơn, hoặc cao hơn, hoặc cũng có thể ngang bằng thiệt hại của người được bảo hiểm và để nhận được số tiền khoán trước này, người tham gia bảo hiểm phải trả một khoản phí bảo hiểm tương ứng.

Ví dụ: Ông X được bảo hiểm bởi HĐBH tai nạn con người với số tiền bảo hiểm 20 triệu đồng. Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng, ông X bị tai nạn xe máy dẫn đến gẫy tay, phải vào viện điều trị hết 2 triệu đồng (bao gồm tiền thuốc, tiền viện phí và các chi phí có liên quan). Theo Bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm thương tật, đối với vết thương của ông X, tỷ lệ trả tiền bảo hiểm là 12% số tiền bảo hiểm.

Nếu áp dụng nguyên tắc bồi thường, trong trường hợp này DNBH sẽ trả ông X các chi phí để điều trị vết thương do tai nạn là 2 triệu đồng.

Nếu áp dụng nguyên tắc khoán, DNBH không căn cứ vào thiệt hại 2 triệu đồng để giải quyết trả tiền bảo hiểm mà sẽ trả theo mức đã khoán khi ký kết hợp đồng. Mức khoán ở đây là 12% số tiền bảo hiểm và như vậy số tiền người bảo hiểm trả cho ông X là: 12% x 20 trđ = 2,4 triệu đồng.

Comments are closed.