Câu hỏi 175: Giới hạn trách nhiệm của chủ tàu trong tai nạn đâm va giữa tàu với tàu được Bộ Luật hàng hải Việt Nam quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam (Bộ luật hàng hải 2005) tại các điều 132 và 222, mức giới hạn trách nhiệm của chủ tàu trong tai nạn đâm va được quy định như sau:
(1) Mức giới hạn trách nhiệm đối với các khiếu nại liên quan đến thiệt hại về người được quy định riêng rẽ đối với đối tượng là hành khách và đối tượng không phải là hành khách.
a) Đối với hành khách: trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp một hành khách bị chết, bị thương hoặc các tổn hại khác về sức khoẻ không vượt quá 46.666 SDR với tổng mức đền bù không vượt quá 25.000.000 SDR tính trên một sự cố.
b) Đối với những người không phải là hành khách:
– 167.000 SDR đối với tàu biển đến 300 GT;
– 333.000 SDR đối với tàu biển từ trên 300 GT đến 500 GT;
– Đối với tàu biển từ trên 500 GT: 333.000 SDR cho 500 GT đầu, tính thêm 500 SDR cho mỗi GT kể từ GT thứ 501 đến GT thứ 3.000, 333 SDR cho mỗi GT từ GT thứ 3.001 đến GT thứ 30.000, 250 SDR cho mỗi GT từ GT thứ 30.001 đến GT thứ 70.000, 167 SDR cho mỗi GT từ GT thứ 70.001 trở lên.
(2) Mức giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải khác được quy định như sau:
– 83.000 SDR đối với tàu biển không quá 300 GT;
– 167.000 SDR đối với tàu biển từ trên 300 GT đến 500 GT;
– Đối với tàu biển từ trên 500 GT: 167.000 SDR cho 500 GT đầu, tính thêm 167 SDR cho mỗi GT kể từ GT thứ 501 đến GT thứ 30.000, 125 SDR cho mỗi GT từ GT thứ 30.001 đến GT thứ 70.000, 83 SDR cho mỗi GT từ GT thứ 70.001 trở lên.
Lưuý:
– SDR là Quyền rút vốn đặc biệt (đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định) có thể quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường,
– Giới hạn trách nhiệm nói trên không áp dụng đối với với khiếu nại về tiền công cứu hộ; chi phí đóng góp tổn thất chung, ô nhiễm dầu, ô nhiễm phóng xạ hạt nhân và các khiếu nại của người làm công cho chủ tàu, cho người cứu hộ hoặc người thừa kế của họ.
Comments are closed.