Cấp thẻ BHYT mới: Lúng túng

Trẻ dưới 6 tuổi chưa nhận được thẻ BHYT mới có thể sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, thẻ khám chữa bệnh (cũ). Trong ảnh: Bệnh nhi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội)Từ ngày 1-1-2010, thẻ BHYT cũ sẽ không được BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh nên nhiều bệnh viện không dám điều trị cho người bệnh, nhất là những đối tượng điều trị lâu dài, khả năng chi trả hạn chế

Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm 1-1-2010, khi mà mọi đối tượng tham gia BHYT phải có thẻ BHYT (mẫu mới) mới được cơ quan bảo hiểm chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB). Thế nhưng, các cơ quan liên quan vẫn chưa chuyển được hết thẻ cho người dân. Trong khi đó, hàng trăm ngàn người bệnh đang rất lo lắng sẽ phải tự chi trả trong thời điểm giao thời này.
Hoãn mổ để đợi… thẻ mới!

Chị Nguyễn Thu Hà, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, cho biết chị có biết thông tin từ năm 2010, thẻ BHYT cũ sẽ không được BHYT thanh toán, nhưng đến thời điểm này, cả hai con của chị đều thuộc đối tượng dưới 6 tuổi vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. “Trẻ dưới 6 tuổi được miễn hoàn toàn chi phí nhưng không rõ thẻ KCB cũ có thay thế được thẻ BHYT hay không?”- chị Hà băn khoăn.

Còn ông Lâm Văn Quang, ở Thái Nguyên, có người nhà điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết các bác sĩ đã chỉ định con gái ông phẫu thuật vào tuần tới. Nhưng sau khi nghe thông báo sẽ phải tự chi trả chi phí phẫu thuật (vì thẻ cũ sắp hết hạn trong khi chưa có thẻ BHYT mới), gia đình đã buộc phải xin hoãn mổ cho con để đợi… thẻ! “Gia đình tôi rất nghèo, không thể “gánh” nổi chi phí mổ quá lớn. Vì thế, nếu bệnh chưa quá nguy kịch, gia đình đành cố gắng đợi” – ông Quang giãi bày.

Chính vì quy định từ ngày 1-1-2010, thẻ BHYT cũ sẽ không được BHYT chi trả chi phí KCB nên nhiều bệnh viện không dám “mạo hiểm” điều trị cho người bệnh vì sợ sẽ gặp phải những phản ứng từ bệnh nhân bảo hiểm, nhất là đối tượng nghèo, khả năng chi trả hạn chế. Trong khi đó, nhiều người bệnh vì lo sợ không gánh nổi chi phí KCB trong thời điểm giao thời nên cũng sẵn sàng ở nhà đợi được đổi thẻ rồi mới đi chữa bệnh.


7 triệu thẻ cũ vẫn có giá trị

Ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Giám định y tế – BHXH VN, cho biết cả nước có khoảng 50 triệu người tham gia BHYT. Đến thời điểm này, việc chuyển thẻ đến các địa phương, cơ quan đã cơ bản hoàn tất. Do đó, nếu cá nhân nào chưa nhận được thẻ BHYT có thể yêu cầu cơ quan của mình đến BHXH địa phương để lấy thẻ.

“Vừa qua, BHXH VN có nhận được thông báo của một bệnh viện, đến ngày 31-12, nếu không có thẻ BHYT mới, người bệnh sẽ phải đóng chi phí KCB. Tuy nhiên, trường hợp có thẻ BHYT cũ, điều trị kéo dài từ năm 2009 sang năm 2010 vẫn được thanh toán nếu chưa nhận được thẻ mới”- ông Thảo nói.

Ước tính, sau ngày 31-12, cả nước có khoảng 7 triệu thẻ BHYT cũ của đối tượng hưu trí, một số thuộc hộ nghèo và BHYT tự nguyện vẫn còn giá trị sử dụng trong năm 2010. Theo ông Thảo, nếu đang điều trị, những trường hợp này vẫn được thanh toán nhưng hết đợt điều trị phải đổi thẻ mới. Những trường hợp như công nhân, viên chức đi khám bệnh mà chưa được nhận thẻ BHYT mới có thể đến cơ quan BHXH gần nhất, yêu cầu cấp giấy xác nhận là đối tượng tham gia BHYT và đang đợi cấp thẻ. Việc xác nhận này sẽ được giải quyết nhanh để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

“Theo quy định, những người có thẻ hết hạn sử dụng, đến ngày 31-12, đang phải điều trị sẽ không được BHYT thanh toán. Sau khi nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận, trong tuần này, BHXH VN sẽ làm việc với Bộ Y tế và Bộ Tài chính để thống nhất lại việc chi trả chi phí KCB trong thời điểm giao thời” – ông Thảo nhấn mạnh.

Vẫn dùng được thẻ cũ

Cũng theo ông Thảo, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi theo quy định mới đang gặp khó khăn do sự phối hợp với các cơ quan liên quan còn lúng túng. Hiện nay, mới cấp được rất ít trong tổng số 8 triệu thẻ cần cấp. Để bảo đảm quyền lợi của các cháu chưa được cấp thẻ BHYT, khi đi KCB, gia đình có thể sử dụng thẻ KCB (cũ) hoặc chỉ cần xuất trình giấy khai sinh hay giấy chứng sinh… cũng được chấp nhận.

Với những trường hợp trẻ dưới 6 tuổi, không có hộ khẩu tại địa bàn cư trú, cha mẹ cần xin xác nhận tạm trú dài ngày của cơ quan công an. Sau đó, đăng ký tham gia BHYT thông qua hệ thống đại lý BHXH tại UBND phường, xã hoặc có thể lên thẳng cơ quan BHXH gần nhất.

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Comments are closed.