Cạnh tranh với ngân hàng ngoại: Đừng quá thờ ơ! (webbaohiem)

(ĐTCK-online) Từ 1/1/2011, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được đối xử bình đẳng với các ngân hàng nội, theo lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam. Áp lực cạnh tranh đang tăng, song không ít ngân hàng vốn nội “có ve” vẫn thờ ơ với sự kiện này.

Cạnh tranh là tất yếu

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình, có thể sự thờ ơ của những ngân hàng này có lý khi mà hoạt động của nhóm ngân hàng nước ngoài chưa đi sâu vào "lãnh địa" của các ngân hàng trong nước, chỉ tập trung chủ yếu các đô thị lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là ngân hàng nước ngoài chỉ mới hoạt động tại Việt Nam từ hai năm nay đã có một khoản lợi nhuận không nhỏ và sẽ không chỉ dừng chân ở các đô thị lớn. Nhiều ngân hàng đã không che dấu ý đồ phát triển hoạt động về những vùng còn được xem là "unbanked" (chưa có hoạt động ngân hàng) và cạnh tranh ráo riết với các ngân hàng nội.

Ông Brett Krause, Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank tại Việt Nam, nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển và nhu cầu về dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng. Trong khi đó, thị trường ngân hàng Việt Nam đang có nhiều ngân hàng tham gia nhưng số lượng các loại sản phẩm lại hạn hẹp. Vì vậy, thị trường còn nhiều khoảng trống cho các bên cung cấp, kể cả trong nước và nước ngoài. Rõ ràng, càng có nhiều sự cạnh tranh thì càng tốt cho thị trường nói chung và cho người tiêu dùng cá nhân nói riêng, nói như ông Brett: "Cạnh tranh có nghĩa là có nhiều sự lựa chọn hơn với giá thấp hơn".

 

Ngoại – nội, cơ hội chia đều

Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam, ông Thomas Tobin, cho rằng, không đơn thuần là cạnh tranh giữa các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước mà là cạnh tranh nói chung trên thị trường tài chính ngân hàng ngày càng quyết liệt hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đang dần có yêu cầu ngày càng cao và tinh tế hơn nên sự cạnh tranh cũng cần phát triển nhanh chóng hơn.

Ngân hàng trong nước có lợi thế về mạng lưới hoạt động rộng khắp và hiểu biết thấu đáo về thị trường cũng như hành vi, nếp suy nghĩ của khách hàng. Trong khi đó, ngân hàng nước ngoài mang vốn đầu tư, kèm theo đó là thương hiệu và những sản phẩm, dịch vụ mới từ bên ngoài vào giới thiệu tại thị trường nội địa. "Sự cạnh tranh tiếp tục tăng lên sẽ là điều rất tốt cho thị trường và tốt cho khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, chừng nào đó là cạnh tranh lành mạnh", ông Thomas nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên nhấn mạnh vào việc cạnh tranh giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước. Vấn đề chính là phân biệt được ngân hàng nào tốt, hoạt động hiệu quả, có nguồn tài chính ổn định và có khả năng phục vụ những nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng như Việt Nam. Việt Nam cần có các ngân hàng với nguồn tài chính vững mạnh, khả năng quản lý rủi ro hiệu quả và năng lực điều hành tốt. Ngoài ra, các sản phẩm và dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cũng như cách thức ngân hàng cung cấp sẽ là những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam nói: "Ngân hàng nước ngoài có thể có thế mạnh trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, nhưng các ngân hàng trong nước lại có thế mạnh về các mối quan hệ với các đối tác tại thị trường Việt Nam. Cơ hội đang mở ra cho tất cả các ngân hàng tại thị trường tiềm năng này".

Mặc dù vậy, ngân hàng trong nước dù muốn hay không sẽ phải đối diện với những đối thủ rất mạnh mẽ trên mọi phương diện. Vị trí trên thương trường của ngân hàng nước ngoài ngày một tăng mạnh. "Thực tế đó đòi hỏi các ngân hàng trong nước cần có những chiến lược và kế hoạch để đương đầu với những thách thức và đe dọa từ phía ngân hàng nước ngoài", TS. Hiếu nói.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.